Động lực kinh tế quan trọng của thế giới ‘ngả nghiêng’ theo Trung Quốc, sẽ thấy điều kỳ diệu nếu làm điều này

Động lực kinh tế quan trọng của thế giới ‘ngả nghiêng’ theo Trung Quốc, sẽ thấy điều kỳ diệu nếu làm điều này

Động lực kinh tế quan trọng của thế giới 'ngả nghiêng' theo Trung Quốc, sẽ thấy điều kỳ diệu nếu làm điều này
Đông Á vẫn là động lực có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Pinterest)

Đông Á từng là trung tâm của một số đợt bùng nổ kinh tế quan trọng và bền vững. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã chứng kiến ​​nền kinh tế phát triển với tốc độ chưa từng thấy ở nhiều thời điểm khác nhau từ những năm 1950 trở đi.

Khu vực này vẫn là động lực có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, sự bi quan về triển vọng của khu vực này đang gia tăng.

Trong báo cáo triển vọng mới nhất về khu vực được công bố đầu tuần này, WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng ở Trung Quốc. Theo đó, mức tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 sẽ đạt 4,4%, giảm từ mức 4,8% được dự báo trước đó.

Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB nói rằng: “WB đánh giá khu vực này có tiêu chuẩn cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Đây là một khu vực năng động đến mức bất kỳ sự chậm lại nào cũng thu hút rất nhiều sự chú ý”.

Tuy nhiên, ông cũng tin rằng, nhiều nền kinh tế ở Đông Á đã làm tốt việc quay trở lại tốc độ tăng trưởng hiện tại ngay sau đại dịch.

Ông Aaditya Mattoo nói: “Hầu hết các nền kinh tế tại Đông Á đều tăng trưởng trên mức trước đại dịch. Ví dụ, sản lượng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc hiện cao hơn 20% so với mức trước đại dịch. Tại Malaysia, Indonesia và Philippines, sản lượng kinh tế cũng cao hơn tới 10% so với trước đại dịch”.

“Mây bão” bủa vây Đông Á

Không thể phủ nhận, “những đám mây bão” ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây lo ngại. Đất nước này chiếm phần lớn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Đông Á, vì vậy, những rắc rối của Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến khu vực.

WB chỉ ra một loạt vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc, từ tốc độ tăng trưởng chậm chạp sau đại dịch đến thị trường bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng và nợ hộ gia đình tăng cao.

Ông Aaditya Mattoo nhận định: “Tôi nghĩ rằng, sự tăng trưởng trong quá khứ dựa trên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản đã cạn kiệt. Lãnh đạo nước này đang cố gắng thay đổi quỹ đạo kinh tế tổng thể. Trung Quốc đang đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và độc lập về công nghệ, đồng thời chuyển sang các công nghệ xanh hơn. Nhưng niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư vẫn đang ở mức thấp”.

Bà Louise Loo, nhà kinh tế của Oxford Economics thì cho rằng, sự bấp bênh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là do ba yếu tố chính. Đó là hậu quả Covid-19, nỗ lực của nhà nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài sản và sự lo lắng chung về đầu tư trong khu vực tư nhân.

Thêm vào đó, theo các chuyên gia, yếu tố gây ra tình trạng bất ổn rộng lớn hơn ở Trung Quốc và khu vực Đông Á liên quan đến môi trường thương mại toàn cầu. Ngoài nhu cầu toàn cầu suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng tác động đáng kể đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia xuất khẩu khác ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Khoa học và Chips – nhằm thúc đẩy sản xuất ở Mỹ – đã đưa ra nhiều hạn chế thương mại khác nhau đối với các nước xuất khẩu, tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu hàng điện tử và công nghiệp sang Mỹ từ các nước trong khu vực.

Ông Mattoo cho biết, xuất khẩu của khu vực Đông Á đã giảm sút sau khi đạo luật được ban hành.

Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhận thấy, vấn đề lớn khác đối với các quốc gia trong khu vực là nợ đã gia tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

Ông nói: “Tôi nghĩ, khoản nợ đó đang đè nặng lên người tiêu dùng. Họ đang chi tiêu ít hơn. Khoản nợ đó đang đè nặng lên các doanh nghiệp, vì vậy, khu vực này đang đầu tư ít hơn”.

Trung Quốc: 'Bóng ma' giảm phát. (Ảnh: Liu Liqun/Getty Images)
Kinh tế Trung Quốc có thể đã bắt đầu “thoát đáy”. (Ảnh: Liu Liqun/Getty Images)

Thấy tia sáng ở Trung Quốc

Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 5 tháng giảm liên tiếp. Dữ liệu này nối tiếp một loạt dấu hiệu gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã bắt đầu “thoát đáy”.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố cuối tuần trước, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) – thước đo được thực hiện thông qua khảo sát các doanh nghiệp sản xuất lớn – của Trung Quốc tăng lên mức 50,2 điểm trong tháng 9 từ mức 49,7 điểm trong tháng trước đó.

Đây là số liệu thống kê kinh tế tháng 9 chính thức đầu tiên được công bố của Trung Quốc. Trước báo cáo PMI, nước này cũng có một loạt số liệu khác cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định trở lại sau một thời gian mất đà phục hồi.

Đơn cử như trong tháng 8, với sản lượng của các nhà máy và doanh thu bán lẻ tăng tốc, tốc độ giảm của xuất nhập khẩu giảm bớt, áp lực giảm phát cũng được giải toả. Trong tháng 8, lợi nhuận của doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc gây bất ngờ với mức tăng trưởng 17,2%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong tháng 7.

Nhà kinh tế trưởng Zhou Hao của công ty Guotai Junan International nhấn mạnh: “Chỉ số PMI ngành sản xuất, cộng thêm số liệu tốt về lợi nhuận công nghiệp, có vẻ nói lên một điều rằng nền kinh tế đang dần thoát đáy”.

Song song với đó, chỉ tính riêng ngày 30/9, lượng hành khách đi đường sắt ở Trung Quốc đã đạt con số 20 triệu lượt, mức kỷ lục trong một ngày. Đây là một sự khởi đầu tốt đẹp mà nhà chức trách nước này dự báo sẽ mang lại “Tuần lễ vàng – kéo dài từ ngày 29/9 đến 6/10 – thành công nhất trong lịch sử”.

Việc các chỉ số kinh tế trở nên ổn định hơn là điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mong muốn vào thời điểm này, vì họ đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc. Bắc Kinh đã công bố nhiều biện pháp nhằm cải thiện thị trường bất động sản, bao gồm giảm lãi suất mua nhà trả góp để vực dậy thị trường.

“Nền kinh tế Trung Quốc dần ổn định trở lại một phần nhờ nới lỏng chính sách đối với thị trường bất động sản”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management khẳng định.

Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng

Vậy khu vực Đông Á nói chung và Trung Quốc nói riêng cần làm gì để thay đổi tình hình? WB cho rằng, những cải cách trong lĩnh vực dịch vụ có thể thúc đẩy sự thay đổi kinh tế đáng kể trong khu vực Đông Á.

Theo đó, các quốc gia trong khu vực có thể cải thiện các hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp, hạn chế đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Ông Aaditya Mattoo nói: “Sự thành công của các quốc gia như Việt Nam cho thấy, nền kinh tế của một quốc gia có thể tăng trưởng nhanh nhờ vào lĩnh vực dịch vụ bùng nổ. Trong thập niên qua, chúng tôi nhận thấy, các lĩnh vực dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động trong khu vực nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Tại một khu vực vốn dĩ đã phát triển nhờ thương mại và đầu tư vào sản xuất, chìa khoá quan trọng tiếp theo cho tăng trưởng sẽ đến từ cải cách khu vực dịch vụ để thúc đẩy cuộc cách mạng số”.

Nguồn tin: Động lực kinh tế quan trọng của thế giới “ngả nghiêng” theo Trung Quốc, sẽ thấy điều kỳ diệu nếu làm điều này (baoquocte.vn)

Trả lời