Giá tiêu hôm nay 29/8/2023, thị trường hồi phục, tiêu Việt có nhiều lợi thế so với đối thủ trên thị trường

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 72.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 29/8/2023
Giá tiêu hôm nay 29/8/2023, thị trường hồi phục, tiêu Việt có nhiều lợi thế so với đối thủ trên thị trường . (Nguồn: indigo-herbs.co.uk)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 72.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 68.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (69.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (70.000 đồng/kg); Bình Phước (71.000 đồng/kg) và Bà Rịa – Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.

Như vậy, sau 3 ngày tăng nhẹ, giá tiêu hôm nay giữ ổn định ở các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước được hồi phục.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành hàng tiêu, hiện Việt Nam đứng thứ nhất về tỷ trọng xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu tiêu trên thế giới, dù vậy, dư địa để phát triển và khai thác thêm cho cây hồ tiêu vẫn còn. Bởi lẽ, hiện Việt Nam đã và đang hội nhập toàn cầu, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia… nhờ lợi thế từ Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA). Cụ thể, thuế nhập khẩu tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành tiêu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU. Nhu cầu sử dụng tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan… còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.

Các nhà kinh tế cho rằng, thời gian tới, nông dân trồng tiêu gặp một số thách thức như: sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh, quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng cũng dẫn đến các rào cản thương mại.

Tại Hội thảo hôm 8/8 tại TP.HCM, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, một số chất cấm vẫn đang được phát hiện trên mẫu hạt tiêu.

VPSA nhận định, có thể thấy đa phần các mẫu hạt tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây hồ tiêu. Trong đó một số hoạt chất đã được Việt Nam loại bỏ nhưng vẫn xuất hiện trong hạt tiêu như Carbendazim và Chlorpyrifos Ethyl. Điều này rất đáng lo ngại nếu như người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc cho tiêu.

Theo VPSA, Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 1/8/2020 đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các dòng thuế về hồ tiêu và gia vị. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu và mở rộng thị trường vẫn chưa xứng với tiềm năng do các điều kiện và tiêu chuẩn của thị trường EU khá cao và nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế thế giới do cuộc xung đột tại Đông Âu.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của nước ta sang EU mới đạt 4.316 tấn, trong khi tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu đi các thị trường là 153 nghìn tấn. Các năm 2020, 2021 và 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang EU từ gần 40 nghìn tấn tới 48 nghìn tấn.

Nguồn tin; Giá tiêu hôm nay 29/8/2023, thị trường hồi phục, tiêu Việt có nhiều lợi thế so với đối thủ trên thị trường (baoquocte.vn)

Trả lời