Chuyển đổi số tại Việt Nam: Bắt đầu từ nhận thức đúng đắn

Chuyển đổi số là một bước trong quá trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp nhưng hiện vẫn chưa có nhiều người nhận thức đúng đắn về vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là một bước trong quá trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều người nhận thức đúng đắn về vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số để có chiến lược đầu tư thích hợp về nguồn lực, nhân lực và tài lực.

Hơn nữa, không hiếm trường hợp quá ngộ nhận về chuyển đổi số và ví như “chiếc đũa thần” có thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả kinh doanh. Bởi, chuyển đổi số thực chất là một quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức và cần được coi như một phương thức phát triển quốc gia.

Manh nha ngọn lửa nhỏ

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết từ năm 2020 trở lại đây, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là những từ khóa được nhắc đến nhiều khi các thành tựu của khoa học công nghệ đang hiện diện trong mọi mặt của đời sống. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp lại càng gia tăng hoạt động trên môi trường online.

Cùng với đó, dịch COVID-19 cũng là cú hích để mọi lĩnh vực của đời sống được số hóa, thúc đẩy chuyển đổi số. Đơn cử như chuyển đổi số của ngành logistics, vận tải kho bãi, dữ liệu thông minh, phi giấy tờ hay tối ưu hóa quy trình logistics giao hàng chặng cuối, logistics đô thị giao hàng tự động, công nghệ truy xuất, nhận diện hay giao dịch giữa nhà nước và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

Theo ông Trần Thanh Hải, số hóa là bước đầu nhưng không phải là tất cả của chuyển đổi số hay sự sáng tạo. Song, chuyển đổi số cần được triển khai đồng bộ và mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là đem lại hiệu quả và giảm chi phí.

“Với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ có tác dụng “kích hoạt” việc chuyển đổi số của nhiều thành phần khác,” ông Trần Thanh Hải nhận định.

Ở một góc khác, không ít chuyên gia cũng cho rằng mặc dù trong quá trình chuyển đổi số, các đơn vị, bộ ngành hay ngay cả doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ thông tin nhưng văn bản chỉ đạo vẫn phải in ra, ký tươi, đóng dấu rồi sau đó lại scan, chuyển thành dạng PDF. File này được chuyển, gửi đi và đơn vị nhận sau đó lại ứng dụng AI để nhận dạng, bóc tách dữ liệu sang dạng văn bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số không phải phong trào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra việc chuyển đổi số gắn liền với thông minh hóa nên không phải khi có điều kiện kinh tế phát triển rồi mới triển khai công việc này. Bởi khi điều kiện kinh tế khó khăn, chuyển đổi số giống như cấu phần quan trọng trong các giải pháp cho những vấn đề lớn của đất nước. Do đó, để chuyển đổi số thành công, việc thúc đẩy không quan trọng bằng gỡ bỏ rào cản và đưa ra những chính sách phù hợp.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho hay trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020 cũng nêu rõ quan điểm “chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức;” “nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số.” Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức.

Tuy nhiên, nhắc đến “chuyển đổi số,” hiện không ít người cho rằng đó là một khái niệm trừu tượng, xa vời không thiết thực với bản thân. Thậm chí có ý kiến coi đây là việc của cơ quan công quyền chứ không phải của cá nhân.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Việt Nam đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Nhiều người đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục… mà chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện cụ thể của thực hiện chuyển đổi số.

Đơn cử như chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính có kết nối Internet, với một cú nhấp chuột hay một cái chạm tay là có thể mua được mặt hàng yêu thích từ nơi cách mình cả nghìn cây số, đặt vé máy bay, vé tàu hỏa, ôtô, đặt phòng khách sạn… chuẩn bị tươm tất cho các cuộc hành trình mà chẳng cần phải có người đi “tiền trạm” như mấy chục năm trước. Hay việc tổ chức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng là một trong những hình thức chuyển đổi số.

Vậy nên, “chuyển đổi số” không phải một khái niệm xa vời, mơ hồ nhưng để tiến tới các mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post chia sẻ logistics có vai trò thiết yếu và là ngành dịch vụ mũi nhọn mang lại giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyen doi so tai Viet Nam: Bat dau tu nhan thuc dung dan hinh anh 2Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Vì thế, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, logistics trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như DHL, FedEx, CJ logistics… Các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ; trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Theo bà Cao Cẩm Linh, hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan.

Chẳng hạn, cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding, số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Saas), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhà kho thông minh (Smart Warehousing)…

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói chung, vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một số doanh nghiệp cho rằng chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào trang thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn là có thể hoàn thành chuyển đổi số và trông chờ đem lại kết quả tích cực ngay.

Chuyen doi so tai Viet Nam: Bat dau tu nhan thuc dung dan hinh anh 3Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Mép. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tuy nhiên, chuyển đổi số thực chất là một quá trình thay đổi, không chỉ thay đổi về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức làm việc. Trong vấn đề này, vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Nếu lãnh đạo không đi đầu, làm gương trong việc chuyển đổi số, sử dụng các công cụ số trong quản lý, điều hành rất khó để yêu cầu bộ máy bên dưới triển khai.

Để thúc đẩy doanh nghiệp Việt vận động nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Công Thương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhiều hơn.

Chẳng hạn như việc Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lập dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; trong đó, điều chỉnh phần lớn các vấn đề trong kinh doanh thương mại điện tử cho sát với thực tế, giúp doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử thuận lợi hơn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương có những đề án và giải pháp thực sự là những cú huých đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi như kết nối các sản phẩm của doanh nghiệp, xây dựng gian hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử lớn và kết nối với các sàn thương mại điện tử trên thế giới để tham gia vào sân chơi lớn hơn, các sản phẩm Việt có cơ hội được bày bán xuyên biên giới.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã thiết lập một hệ thống xử lý các khiếu nại của khách hàng và được kết nối với tất cả các bên liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công an, lực lượng quản lý tại các địa phương.

Đây là một điểm mới giúp thông tin phản ánh của khách hàng sẽ ngay lập tức đến được các cơ quan chức năng. Theo đó, bên cạnh việc giải quyết các khiếu nại, phản ánh được giải quyết kịp thời còn là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp./.

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-tai-viet-nam-bat-dau-tu-nhan-thuc-dung-dan/697219.vnp

Trả lời