Kinh tế Việt Nam: Hóa giải thách thức, đạt tăng trưởng phù hợp

Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% được đánh giá là một thách thức rất lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới rủi ro hơn và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới. (Nguồn: Vietnamnet)
Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% được đánh giá là một thách thức rất lớn. (Nguồn: Vietnamnet)

Để nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2023 ở mức mục tiêu 6,5%, trong bối cảnh quốc tế kém thuận lợi, theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung sáu tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Ở kịch bản thứ hai, với mục tiêu tăng trưởng thấp hơn – chỉ 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm là 8%.

Những mục tiêu này đều là những thách thức không nhỏ, đặc biệt khi mà nửa đầu năm, tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt kỳ vọng, chỉ 3,72%.

Nửa đầu năm 2023 mang đến hàng loạt thách thức “chưa từng có tiền lệ” từ cả bên trong và bên ngoài. Trước hàng loạt bài toán khó, kiên định với mục tiêu 6,5%, Chính phủ quyết liệt đưa ra hàng loạt giải pháp, ứng phó với tình hình đầy biến động nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách được điều hành tương đối thận trọng, nỗ lực giữ những cân đối lớn và tạo động lực đột phá để tăng trưởng. Những nỗ lực này giúp cho Việt Nam tránh được những cú sốc có thể ảnh hưởng đến các cán cân vĩ mô.

Bởi vậy, mức tăng trưởng nửa đầu năm tuy chỉ đạt 3,72% nhưng vẫn là một thành công, cao hơn mức trung bình của thế giới, trong bối cảnh khó khăn chung.

Trên thực tế, kết quả quan trọng hơn đối với nền kinh tế chính là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, nợ công ở mức thấp, giá trị đồng tiền ổn định, nhiều dự án hạ tầng quan trọng được tháo gỡ, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% được đánh giá là một thách thức rất lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới rủi ro hơn và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn (thị trường đất đai, chứng khoán, bất động sản, xây dựng…) cần thời gian để tháo gỡ, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và doanh nghiệp.

Từ bên ngoài, nhiều rủi ro tiềm ẩn và thách thức vẫn hiện hữu. Những rủi ro, thách thức này tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương (4/7) và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dù tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, nhưng vẫn cần nhìn nhận rõ ba nhóm vấn đề lớn: tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, nền kinh tế tránh được những cú sốc và đạt được mức tăng trưởng phù hợp.

Tin tưởng, với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách,quyết tâm tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Nguồn tin: Kinh tế Việt Nam: Hóa giải thách thức, đạt tăng trưởng phù hợp (baoquocte.vn)

Trả lời