Kinh tế thế giới nổi bật (9-15/12): Thặng dư tài khoản vãng lai Nga cao kỷ lục, châu Âu mua mạnh khí đốt Moscow, Nhật-Hàn tăng viện trợ cho Ukraine

Thương mại toàn cầu 2023 sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, châu Âu vẫn tích cực mua khí đốt Nga, Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO, Nhật Bản-Hàn Quốc tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho Ukraine… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Các tàu chở dầu Nga đang mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-12. Ảnh: Reuters
Các yếu tố căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu tiêu thụ giảm trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới trong năm 2023. Trong ảnh, các tàu chở dầu Nga mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/12 do lệnh áp giá trần từ EU và G7. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Nhận định các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu 2023

Mới đây, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra nhận định: Tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2022 ước đạt 32.000 tỷ USD, nhưng lạm phát đã xóa đi những thành tựu đạt được trong vài tháng gần đây.

Theo UNCTAD, thương mại hàng hóa và dịch vụ trong năm nay dự kiến lần lượt ước đạt 25.000 tỷ USD và 7.000 tỷ USD. Đà suy giảm bắt đầu từ giai đoạn tháng Bảy đến tháng Chín, với giá trị hàng hóa trao đổi giảm 1% so với giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Năm.

Trong bản cập nhật thương mại toàn cầu, UNCTAD nhận định, dù dịch vụ tăng 1,3% trong quý III, tổng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm trong giai đoạn về cuối năm.

Dù vậy, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn khá vững trong năm 2022, với giá trị trao đổi tăng khoảng 3%. Giao dịch thương mại tại các nền kinh tế châu Á tăng trưởng tốt, nhưng đà suy yếu cũng xuất hiện trong quý III tại khu vực Nam bán cầu.

Về tổng thể, UNCTAD cho rằng, các yếu tố căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu tiêu thụ giảm trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới trong năm 2023. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách cuối cùng từ ngày 13-14/12 với số liệu cho thấy lạm phát cũng hạ nhiệt.

Theo các nhà giao dịch, tại cuộc hop này, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tăng lãi suất chính sách thêm nửa điểm phần trăm lên 4,25%-4,5%, mức tăng thấp hơn so với mức tăng 75 điểm cơ bản mà cơ quan đã tiến hành kể từ tháng Sáu.

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 11/2022 tại Mỹ chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 7,7% trong tháng 10/2022 và phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế về tỷ lệ lạm phát hằng năm là 7,3%. (Reuters)

* Ngày 12/12, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức Đối thoại kinh tế cấp cao Hàn – Mỹ (SED) lần thứ 7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Mỹ công nhận việc Hàn Quốc tăng đầu tư xe điện và pin điện vào Mỹ đã đóng góp vào mục tiêu chung của hai nước về an ninh, kinh tế quốc gia và năng lượng sạch.

Về phần mình, Seoul đề nghị Washington hợp tác để có thể điều chỉnh tối đa quan điểm của quốc gia Đông Bắc Á đối với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ trong các quy định cụ thể và các thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính Mỹ.

Đáp lại, Mỹ khẳng định, ngay từ giai đoạn đầu đã nhận thức một cách nghiêm túc các lo ngại của Hàn Quốc và đang xem xét trong mọi khía cạnh về vấn đề trên. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/12 cho biết, nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip theo Đạo luật Khoa học và Chip.

Trong tuyên bố, bộ trên nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO nhằm giải quyết các mối quan ngại, cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ các biện pháp hạn chế của Mỹ “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.

Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge cho biết đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc liên quan các hành động của Washington ảnh hưởng tới các thiết bị bán dẫn. Theo ông Hodge, Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc và đã nêu rõ các hành động này liên quan đến an ninh quốc gia. (TTXVN)

* Tờ Financial Times ngày 14/12 đưa tin “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd sẽ không thể mua một số chip tiên tiến nhất sau khi công ty công nghệ chip Arm Ltd của Anh thuộc sở hữu của SoftBank xác định rằng Mỹ và Anh sẽ không phê duyệt giấy phép xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Arm thông báo quyết định không xuất khẩu các chip tiên tiến nhất của mình sang Trung Quốc. Công ty công nghệ chip của Anh cho hay, Mỹ và Vương quốc Anh sẽ không chấp thuận việc bán dòng chip Neoverse V mới nhất của họ vì hiệu suất quá cao. (Financial Times/Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Đức đang kêu gọi một phản ứng chung của châu Âu đối với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ (IRA), trong đó bao gồm việc đơn giản hóa các quy tắc hỗ trợ của chính phủ và mở rộng các lựa chọn tài chính.

Một tài liệu của Bộ Kinh tế Đức cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể triển khai một chương trình thúc đẩy công nghệ xanh bằng cách kết hợp nhiều yếu tố hỗ trợ khác nhau để tránh hạn chế về ngân sách. Tài liệu cũng chỉ ra rằng, các quốc gia thành viên có thể thực thi chặt chẽ hơn các tiêu chí bền vững trong các cuộc đấu thầu công khai ở cấp quốc gia, đồng thời mở rộng hoặc tăng các chương trình trợ cấp truyền thống. (TTXVN)

* Hãng tin Bloomberg ngày 11/12 dẫn lời các nghị sĩ châu Âu cho biết, bất đồng về đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga trong EU gia tăng, với nhóm 12 quốc gia thành viên kêu gọi giảm đáng kể mức giá trần này, trong đó có Bỉ, Hy Lạp, Italy và Ba Lan.

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, giá trần có hiệu lực nếu giá khí đốt trong ít nhất hai tuần trên Sàn giao dịch Amsterdam vượt quá 275 Euro/MWh (khoảng 3.000 USD/1.000 m3). Chênh lệch với giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải hơn mức 58 Euro trong ít nhất 10 ngày.

CH Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đề xuất hạ giới hạn giá xuống 220 Euro và mức chênh lệch xuống 35 Euro. Nhóm gồm 12 quốc gia nói với Prague rằng những giới hạn như vậy là không thể chấp nhận được và cần được giảm bớt nhiều hơn. (TTXVN)

* Truyền thông Đức dẫn dữ liệu của Viện Kinh tế thế giới (IfW) ngày 11/12 cho biết, Đức và các nước châu Âu khác, bất chấp tuyên bố từ chối khí đốt của Nga, vẫn tiếp tục tích cực mua khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow. Lượng LNG mà các nước châu Âu mua của Nga thậm chí còn tăng so với năm 2021.

Theo Phó chủ tịch IfW Stefan Koots, LNG của Nga đến Bỉ, sau đó được vận chuyển đến Đức. Khối lượng khí đốt này không quá lớn, vào khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm, chiếm gần 5% tổng nhu cầu khí đốt của Đức.

Tổng nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục. So với năm 2021, EU và Anh đã mua thêm 20% lượng LNG từ Nga, tăng lên mức 13% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Những nước mua chính là Pháp, Bỉ và Hà Lan. (TTXVN)

Nguồn tin: Kinh tế thế giới nổi bật (9-15/12): Thặng dư tài khoản vãng lai Nga cao kỷ lục, châu Âu mua mạnh khí đốt Moscow, Nhật-Hàn tăng viện trợ cho Ukraine (baoquocte.vn)

Trả lời