Trong tháng 2/2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các hoạt động kinh tế nhưng các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn, đặc biệt là nợ công, thu, chi ngân sách.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. (Ảnh: G.T)
Chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày.
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ cùng ngày diễn ra trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự.
Thông tin về tình hình kinh tế xã hội, Người phát ngôn Chính phủ nêu rõ kết quả đã đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu đề ra trong năm 2020.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô nền kinh tế có kết quả tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, vận hành tích cực hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. (Ảnh: G.T)
Các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong tháng 2/2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2/2021, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi, nhiều mặt hàng được mùa, được giá. Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đầy đủ sản phẩm và giá cả không biến động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin, sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%…
Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
“Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I/2021, là tháng phải tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của quý I/2021 và của cả năm.
Trên tinh thần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị hàng loại các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể như:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch. Đẩy mạnh việc hợp tác, đàm phán mua vaccine và nghiên cứu vaccine trong nước; đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng vaccine, đặc biệt đối với các khu vực, đối tượng ưu tiên.
Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Thứ tư, tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong các hoạt động của đời sống xã hội; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; ứng dụng thanh toán điện tử trên môi trường trực tuyến.
Thứ năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ sáu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường đối tác; rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường.
Thứ bảy, đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài. Chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.
Nguồn:https://baoquocte.vn/mac-covid-19-tinh-hinh-kinh-te-viet-nam-van-co-nhieu-dau-hieu-tich-cuc-138142.html