Nhận diện những thách thức của xuất khẩu Việt Nam năm 2023

Mặc dù xuất khẩu hàng hoá tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số (với tổng kim ngạch đạt 371,85 tỷ USD trong năm 2022, tăng 10,6% so với năm trước). Song xuất khẩu 2023 đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức ở cả nội tại – bên trong của nền kinh tế và những tác động từ bên ngoài.

Nhận diện những thách thức của xuất khẩu Việt Nam năm 2023
Xuất khẩu 2023 đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức ở cả nội tại – bên trong của nền kinh tế và những tác động từ bên ngoài. (Nguồn: VNE)

Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 khoảng 6% so với năm 2022 và tiếp tục duy trì xuất siêu, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là việc tiếp cận vốn và mở rộng tìm kiếm, đa dạng hoá thị trường cũng như sản phẩm xuất khẩu.

Thách thức đầu tiên của xuất khẩu 2023 đã bộc lộ rõ từ những tháng cuối năm 2022, đó là tình trạng thiếu đơn hàng – khi rất nhiều đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng tiêu dùng bị cắt giảm, hoãn/huỷ và nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới – bởi áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Dệt may, da giày là những ngành hàng chịu tác động nhiều nhất.

Bà Hoàng Hồng Thuỷ – Công ty CP May Chiến Thắng cho biết thực tế: “So với cùng kỳ của mọi năm thì đơn hàng giảm khoảng 30%, do ảnh hưởng tình hình thế giới, nhất là xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tới thị trường EU rất nhiều, mà đơn hàng của doanh nghiệp thì chủ yếu – đến 50% là xuất khẩu đi EU nên là bị giảm so với mọi năm”.

Thách thức thứ 2 là áp lực tài chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tình trạng thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn do áp lực lãi vay tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng và đứng ở mức cao, trong khi các doanh nghiệp đa phần khó khăn do phải chống chịu với các tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua.

Cùng với đó là các thách thức cộng thêm đối với doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng các mặt hàng nông sản/thuỷ sản xuất khẩu – khi mà yêu cầu về chất lượng hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn; Nhất là để có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan tại những thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu), UKVFTA (Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Bắc Ireland) và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Trong bối cảnh tác động mạnh từ thị trường thế giới đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thì thêm một dấu mốc doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cần phải nắm được, đó là kể từ ngày 1/1/2023, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng một cơ chế – theo quy tắc xuất xứ EVFTA (tức là phải được cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu C/O form EUR.1) thay vì có thể được lựa chọn xuất khẩu theo hình thức thuế quan phổ cập (GSP) như trước đây.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết thêm: “Không chỉ là câu chuyện về quy tắc xuất xứ mà là câu chuyện là đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về lao động cũng như những yêu cầu của thị trường EU đối với mặt hàng mà chúng ta sản xuất. Chẳng hạn đối với mặt hàng gỗ thì chúng ta phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của gỗ theo quy định, hoặc là đối với thủy sản cũng vậy. Chúng ta đã có những bài học liên quan đến thẻ vàng IUU đối với thủy sản, thì đấy là những vấn đề mà chúng ta rất cần phải quan tâm”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… hoàn toàn không phải là các thị trường khó tính, mà là “sân chơi” buộc doanh nghiệp của chúng ta phải tìm cách để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng đặt ra, mà cách nhanh nhất của doanh nghiệp Việt tiềm lực kinh tế hạn chế chính là tìm cách để liên doanh, liên kết để đầu tư công nghệ, đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp với các yêu cầu đặt ra.

“Họ sẵn sàng nhập khẩu những sản phẩm của ta mà họ chưa có, như nông nghiệp, nông lâm thuỷ sản chưa có chế biến sâu mà báo chí cứ nói là các thị trường khó tính… theo tôi dùng chữ khó tính không chính xác. Những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao chứ họ không có khó tính giả cả! Cho nên không được dùng từ khó tính, mà phải nói đúng là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao mà chúng ta phải đáp ứng. Muốn như vậy, tôi nghĩ là cách tốt nhất là làm sao để liên doanh, kết nối từ các chuỗi giá trị, liên doanh với họ (Nhật Bản, EU)… cùng sản xuất, chế biến và chia sẻ lợi ích, làm cách đó nhanh hơn là chúng ta tự mày mò” – TS. Lê Đăng Doanh nói.

Từ thực tế khối doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là trong năm 2022 vừa qua, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp FDI lên tới trên 74%.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang kém hơn so với doanh nghiệp FDI. Điều này thể hiện nhiều thông điệp.
Nguồn tin: Nhận diện những thách thức của xuất khẩu Việt Nam năm 2023 (baoquocte.vn)

Trả lời