Vượt qua một năm đầy khó khăn, các ngân hàng tiếp tục báo lãi nghìn tỷ trong năm 2020 vào thời điểm giáp Tết. Giá cổ phiếu nhiều nhà băng trụ vững vàng trước một đợt điều chỉnh giảm khá sâu và là trụ cột trên thị trường chứng khoán.
Dồn dập lãi nghìn tỷ
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 và cả năm với nhiều kết quả khá ấn tượng.
Điểm nổi bật là SHB đã xử lý xong trước hạn toàn bộ tồn đọng liên quan đến Ngân hàng Habubank trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về 1,71%.
SHB báo lợi nhuận trước thuế 2020 tăng 12,8% so với năm trước, lên 3.412 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch cổ đông đề ra. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. Chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả (NIM) đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt 412,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 17.558 tỷ đồng.
Các ngân hàng vẫn hoạt động tốt trong năm Covid 2020. |
Có được kết quả trên là do SHB đạt tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng. Mặt khác còn tăng cường công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng…
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2020 đạt 1.368 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019 và đạt 101% kế hoạch năm 2020. Trong năm 2020, ABBank cũng đã hoàn thành việc đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên sàn UPCoM.
ABBank ghi nhận tổng tài sản tính tới cuối 2020 đạt gần 116,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2019. Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBank kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,44%, đảm bảo quy định của NHNN. Cùng với đó, hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBank trong năm tiếp tục được đảm bảo thông qua các chỉ số như RoA đạt 1,4%; RoE đạt 16,5%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank (CTG) có lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 là 17,07 nghìn tỷ đồng. Tới cuối 2020, VietinBank ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2019. Tỷ lệ thu ngoài lãi tăng trưởng 32,5% so với năm 2019. Thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập hoạt động (78,6%).
Trong năm 2020, VietinBank cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng từ việc giảm lãi suất cho vay, phí,… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
CTG cũng tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang cải thiện chất lượng dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu dư nợ, gia tăng cơ cấu thu nhập ngoài lãi, kiểm soát tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và chi phí hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của MB đạt 8.262 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,09%. Dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi của khách hàng (casa) vượt qua tỷ lệ 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng).
Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm do chi phí dự phòng tăng nhưng vẫn ở mức cao. Lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 9.214 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% đạt hơn 1,21 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 10,1% đạt hơn 1,22 triệu tỷ.
Dòng tiền vẫn đổ vào các cổ phiếu ngân hàng. |
Cổ phiếu ngân hàng trụ vững
Trong phiên giao dịch 1/2, cổ phiếu CTG của Ngân hàng VietinBank nhiều thời điểm tăng trần và chung cuộc tăng 1.500 đồng, lên 32.000 đồng/cp bất chấp thị trường điều chỉnh giảm khá mạnh (VN-Index giảm hơn 21 điểm) ở thời điểm giáp Tết, khi nhiều người rút ra và lo ngại dịch bệnh bùng phát có thể ảnh hưởng tới triển vọng của các doanh nghiệp.
Cũng trong phiên 1/2, cổ phiếu Techcombank (TCB) tăng 200 đồng, lên 32.200 đồng/cp; VPBank (VPB) tăng 1.000 đồng lên 31.000 đồng/cp.
Đây là những điểm sáng hiếm hoi trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột VN30, giúp thị trường bớt u ám trong phiên giao dịch đầu tuần.
Trong phiên cuối tuần trước (29/1), nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá mạnh. Tất cả 22 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó có 2 cổ phiếu tăng kịch trần. Cổ phiếu OCB tăng trần sau phiên chào sàn “đen đủi” trước đó. STB của ngân hàng Sacombank cũng tăng trần với hàng triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. OCB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HOSE năm 2021, với mức giá tham chiếu 22.900 đồng/cp.
Từ cuối 2020 và nửa đầu 1/2021, bất chấp thị trường chứng khoán bị tác động bởi đại dịch Covid-19 trên thế giới, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng và là động lực kéo VN-Index tăng.
Tới giữa 1/2021, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng 50-90% so với đầu năm 2020. SHB là quán quân với mức tăng hơn 210% và kết năm 2020 ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu. Giá VIB tăng gần 90%, LiênVietPostBank tăng 60%…
Nhóm cổ phiếu có nguồn gốc quốc doanh tăng chậm hơn, nhưng Vietcombank có thời điểm cũng gần chạm 100.000 đồng/cp, tăng 50% so với mức đáy cuối tháng 3/2020.
Một điểm cũng đáng chú ý là sự tăng giá bùng nổ ở nhóm cổ phiếu chuyển sàn, niêm yết mới và lên Upcom như: như ACB, LPB, VIB, MSB,…
Ông Lê Quang Trí – Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) – cho biết, triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tốt. Các nhà băng vẫn hoạt động ổn định. Hiện trạng giảm giá của thị trường những phiên gần đây chủ yếu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát, khi dịch được kiểm soát sẽ ấm trở lại.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/ngan-hang-don-dap-bao-lai-nghin-ty-don-tet-710070.html