TỔ CHỨC ĐẢNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONGNỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

TỔ CHỨC ĐẢNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONGNỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Nguyễn Đức Hà – Nguyên VT Vụ CSĐ Ban Tổ chức TW

– Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội thảo;

– Kính thưa các nhà khoa học và các đồng chí tham dự Hội thảo;

Tôi rất vinh dự được tham dự Cuộc Hội thảo khoa học quốc gia do Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế tổ chức với Chủ đề “Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tôi cho rằng, Cuộc Hội thảo này là việc làm cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhằm cụ thể hóa thực hiện một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Để tham gia cùng Hội thảo, tôi xin được trao đổi một số ý kiến với Chủ đề: “Tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Thực trạng và giải pháp” như sau:

  1. Doanh nghiệp nhà nước và tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ trước đổi mới

Trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền bắc, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên hầu hết các lĩnh vực được thành lập, đi vào sản xuất kinh doanh và phát triển khá mạnh mẽ, với những cái tên rất quen thuộc là nhà máy, công ty, xí nghiệp, nông trường…. đã gắn bó và đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người dân Việt Nam. Điển hình là các nhà máy: Gang thép Thái Nguyên, Phân Đạm Hà Bắc, Cơ khí Trần Hưng Đạo, A-pa-tít Lào Cai, Xe lửa Gia Lâm, Xe đạp Thống nhất, Dệt Nam Định, Dệt 8-3, Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao Vàng, Đóng tầu Hạ Long, Phốt phát Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, In Tiến bộ, Thủy điện Hòa Bình, Giấy Bãi Bằng…; Các công ty như: Xây lắp, Điện lực, Thủy nông, Giống cây trồng, Chế biến thức ăn gia súc…; các xí nghiệp như: Bánh kẹo Hà Nội, Sửa chữa ô tô 250 A, Vận tải đường bộ, May mặc, Cầu đường, Cơ điện…; các nông trường, như: Điện Biên (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn la), Than Uyên (Lào Cai), Trần Phú (Nghĩa Lộ), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Sông Bôi (Hòa Bình), Cam Bố Hạ, Tam Thiên Mẫu ( Hà Bắc), Thái Bình (Lạng Sơn), Tô Hiệu (Hải Phòng), Đồng Giao (Ninh Bình), Lam Sơn (Thanh Hóa), Đông Hiếu, Tây Hiếu, Cờ Đỏ, 1-5, 19-5 (Nghệ An), v.v.

Cùng với việc ra đời các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ, chi bộ cơ sở) trong các nhà máy, công ty, xí nghiệp, nông trường, lâm trường… cũng được thành lập và đi vào hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Những doanh nghiệp lớn, có đông đảng viên, phạm vi hoạt động rộng đều lập đảng bộ cơ sở, dưới đảng bộ có các chi bộ trực thuộc và các tổ đảng (gắn với các tổ, đội, đơn vị sản xuất); những doanh nghiệp có ít đảng viên lập chi bộ cơ sở, dưới chi bộ có các tổ đảng (gắn với các tổ, đội sản xuất). Hầu hết các cấp ủy cơ sở đều trực thuộc cấp ủy cấp huyện và tương đương (Cấp ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng); một số đảng bộ cơ sở ở những doanh nghiệp lớn, có nhiều đảng viên, có đông cán bộ, công nhân viên và người lao động thì đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh như: Đảng bộ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Đảng bộ Nhà Máy Phân Đạm Hà Bắc, Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định….

Qua hoạt động sản xuát kinh doanh theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoach sản xuất Nhà nước giao và các nhiệm vụ cấp trên giao phó; nhiều đảng bộ, chi bộ được công nhận danh hiệu đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Nhiều doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đã được Nhà nước phong tăng danh hiệu Đơn vị Anh hùng; nhiều cán bộ, đảng viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, như: Hồ Giáo, Đào Thị Hào, v.v. Nhiều đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố và bộ, ngành trung ương.

Có thể nói, trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, các doanh nghiệp nhà nước đã thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước sau ngày hòa bình lập lại ở Miền Bắc, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm, bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc những năm sau khi đất nước được thống nhất.

  1. Xây dựng, phát triển tổ chức đảng DNNN trong thời kỳ đổi mới

Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách về xây dựng, phát triển doanh nghiệp nhà nước và xác định các doanh nghiệp nhà nước là thành phần kinh tế nhà nước quan trọng, đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và sự thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa đầu những năm 1990, Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành Nghị quyết “Một số nhiệm vụ về đổi mới, chỉnh đốn Đảng” (Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII). Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Ban Bí thư đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng cơ bản, thì Quy định đầu tiên là Quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp nhà nước, sau đó mới đến các quy định đối với các loại hình khác (Quy định số 49-QĐ/TW, ngày 19/01/1992 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp nhà nước;Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 19/01/1992 đối với đảng bộ, chi bộ nông thôn; Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/01/1992 đối với đảng bộ, chi bộ đơn vị sự nghiệp; Quy định số 52-QĐ/TW, ngày 19/01/1992 đối với đảng bộ, chi bộ phường; Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 19/01/1992 đối với đảng bộ, chi bộ cơ quan).

Tuy nhiên, trong những năm đầu đổi mới, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về kinh tế thị trường chưa đầy đủ, sâu sắc, thậm chí còn hiểu sai về cơ chế thị trường; thể chế, cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở; ảnh hưởng của tư tưởng bao cấp còn nặng và khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên; nội dung, phường thức và sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu đòi hỏi của tình hình Do vậy, không ít doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; không ít nơi thua lỗ và để xảy ra tham ô, tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp lớn, quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước“; Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về “tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”; Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quy định để đẩy mạnh đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Qua thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức, sắp xếp và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã được thu gọn hơn do thực hiện chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ đời sống thiết yếu của nhân dân mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp 80% sản lượng điện cho sản xuất; cung cấp nhu cầu than cho công nghiệp, dân dụng và xuất khẩu; khai thác và chế biến dầu khí (nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước); cung cấp hơn 50% thị phần xăng dầu nội địa; đảm bảo hệ thống viễn thông liên lạc quốc gia và mạng di động; 32% thị phần ngành bưu chính; vận chuyển đường không, đường sắt; xuất khẩu 70% lượng gạo xuất khẩu của cả nước; các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 55% thị phần huy động tiền gửi và thị phần tín dụng toàn hệ thống….

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã quyết định thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (tương đương cấp tỉnh) để bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương đối với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước lớn, quan trọng của nền kinh tế quốc dân, như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than – Khoáng sản, Tập đoàn Dệt – May, Tổng Công ty Đường sắt, Tổng Công ty Hàng không, Hàng hải,…. Trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty 90, 91, ngân hàng thương mại nhà nước… (là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các đảng bộ, chi bộ cơ sở – tương đương cấp ủy cấp huyện); trực thuộc đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty là các đảng bộ, chi bộ cơ sở ở các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, đơn vị thành viên. Tiếp theo đó, Bộ Chính trị khóa X đã có Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 22/10/2007 về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương”. Gần đây, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 13/02/2017 về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối”; Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 05/10/2018 để cụ thể hóa việc thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương.

Như vậy, Quyết định số 99-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương” và Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phốiđều được ban hành trước khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư có các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cấp ủy cấp tỉnh và cấp ủy cấp huyện (Quy định số 10-QĐi/TW, ngày 12/12/2018  của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 202-QĐ/TW, ngày 02/8/2019 của Ban Bí thư khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện).

Đối với các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp, Ban Bí thư Trung ương các khóa gần đây đã bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với sự đổi mới về cơ chế quản lý và chế độ sở hữu trong doanh nghiệp. Đó là: Quy định số 287-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống; Quy định số 294-QĐ/TW, ngày 19/10/2015 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài, v.v. Các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cấp ủy trong doanh nghiệp nhà nước là định hướng chính trị quan trọng để các tổ chức đảng cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và xây dựng Quy chế làm việc cho phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Điều đó thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; tăng cường xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; quan tâm lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và công khai, minh bạch hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhà nước được nâng lên. Doanh nghiệp nhà nước đã trở thành công cụ quan trọng của Nhà nước để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động phức tạp của thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách về an sinh xã hội, như: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, v.v. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước đã trưởng thành, phát triển về nhiều mặt. Nhiều cán bộ tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ; có tư duy, kiến thức về kinh tế thị trường và quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, từng bước thích ứng với môi trường làm việc quốc tế. Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước là nhân tố quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua.

Tuy nhiên, một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị không vững vàng; chưa gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân; để vợ (chồng), con, người thân trục lợi. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước ý thức tổ chức và tính đảng chưa cáo, còn lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc cố ý làm trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tham nhũng, thu lợi cá nhân, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật, trong đó có một số phải xử lý bằng pháp luật.

Từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước những năm qua cho thấy: Nếu ở đâu và lúc nào coi nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; buông lỏng sự lãnh đạo của tổ chức đảng; vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ,… thì ở nơi đó nhiệm vụ chính trị không hoàn thành, nội bộ mất đoàn kết và xảy ra nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội; nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp phải xử lý bằng pháp luật.

  1. Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển tổ chức đảng DNNN trong thời kỳ phát triển mới của đất nước

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đất nước với 03 mốc quan trọng là: Đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội XIII cũng chỉ rõ: Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt hơn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo và vị trí then chốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết khác của Trung ương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

(1) Tổ chức tốt cho cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017).

(2) Đẩy mạnh việc đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước; làm tốt vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

(3) Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tư chuyển hóa” trong nội bộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, lãng phí làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(4) Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các tổ chức đảng theo cơ cấu mới của doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên trong doanh nghiệp. Nâng cao vai trò, hiệu quả lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

(5) Thực hiện nghiêm túc Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 13-2-2017 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Thực hiện nghiêm nguyên tắc: Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và thống nhất quản lý cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; coi trọng phát triển đảng viên trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, nhất là trong công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị ở các cấp.

(6) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, thực chất và hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong tham gia xây dựng Đảng và giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước./.

 

 

 

 

Trả lời