Tổng quan tình hình Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam thời gian qua

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH

Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam thời gian qua

 Phạm Mạnh Khởi – Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên

 Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, được các tầng lớp xã hội ủng hộ.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối qua hệ thống an sinh xã hội, phức lợi xã hội.

Trong những định hướng lớn về phát triển kinh tế của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”. Triển khai thực hiện Cương lĩnh, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và xác định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo kinh tế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân ở nước ta đã và đang phát triển mạnh mẽ, quy mô và phạm vi ngày càng mở rộng, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thực tế đó, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị trí, vai trò, sự đóng góp của kinh tế tư nhân, đồng thời khắc phục những hạn chế, lệch lạc, yếu kém của nó. Để làm được điều này, bên cạnh những biện pháp hành chính, kinh tế thì đẩy mạnh xây dựng các tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng.

  1. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN
  2. 1. Quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân

Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, khi Đảng “coi nền kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”. Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 với nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 cho rằng: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”; Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.

Điều này khẳng định, quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân là quá trình phát triển liên tục. Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 – 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đã tổng kết: Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý đối với kinh tế tư nhân được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi. Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền; bước đầu hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

  1. Khái niệm về kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cả hai thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Trong kinh tế tư nhân thì các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng bao gồm doanh nghiệp có vốn của tư nhân ở trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài (viết tắt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước).

Theo Luật Doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp Việt Nam có quy định các loại hình doanh nghiệp có vốn của tư nhân ở trong nước như sau:

– Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần[1].

– Công ty trách nhiệm hữu hạn: Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp mà các thành viên trong công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Chủ sở hữu công ty do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Không được phát hành cổ phần để huy động vốn trong kinh doanh. Chuyển nhượng vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo Điều 47 và 73 của Luật Doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn được phân thành hai loại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở.

– Công ty cổ phần: Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn[2].

– Công ty hợp danh: Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Doanh nghiệp có vốn nước ngoài bao gồm: Công ty liên doanh và công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

– Công ty liên doanh nước ngoài là công ty do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký kết giữa Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công ty liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

–  Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài là công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và do nhà đầu tư nước ngoài đứng ra quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, kinh tế tư nhân còn bao gồm các loại hình hợp tác xã, các trang trại, nông trại và rất nhiều hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ.

  1. Vị trí, vai trò, sự đóng góp của kinh tế tư nhân

3.1. Sự phát triển của kinh tế tư nhân

            Tổng hợp báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, hiện nay[3] các đơn vị kinh tế tư nhân gồm: 838.934 doanh nghiệp tư nhân, tăng 571.813 doanh nghiệp, gấp 3,14 lần so với năm 2010; 4.325 doanh nghiệp có vốn nhà nước, tăng 2.615 doanh nghiệp, gấp 2,53 lần so với năm 2010; 17.866 doanh nghiệp có vốn nước ngoài, tăng 10.618 doanh nghiệp, gấp 2,47 lần so với năm 2010; 17.916 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, tăng 5.992 hợp tác xã, gấp 1,5 lần năm 2010; 25.304 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; 5,14 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), chiếm 70,53%; doanh nghiệp nhỏ (từ 10 đến dưới 50 lao động) chiếm 22,81%; doanh nghiệp từ 50 đến dưới 500 lao động, chiếm 6,05%; doanh nghiệp trên 500 lao động, chiếm 0,61%.

Các doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố, cụ thể như: Ở Hà Nội có 263.535; TP. Hồ Chí Minh là 219.691; Hải Phòng có 31.217; Đà Nẵng là 21.505; Cần Thơ có 9.142; Bình Dương là 37.275; Đồng Nai có 18.011; Long An là 11.531; Quảng Ninh có 9.388; Hưng Yên là 9.821; Vĩnh Phúc có 9.239.

Trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Điểm tích cực trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng…góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

3.2. Vị trí, vai trò và đóng góp của kinh tế tư nhân

Các đơn vị kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Cụ thể:

– Tổng số lao động các đơn vị kinh tế tư nhân đang sử dụng khoảng 23.602.400 lao động, chiếm khoảng 49% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: Các doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 12.696.400 lao động, chiếm 90,6% tổng số lao động của tất cả các loại hình doanh nghiệp; các hợp tác xã sử dụng khoảng 206.000 lao động; các hộ kinh doanh cá thể phi nông, lâm, ngư nghiệp sử dụng khoảng 8.700.000 lao động; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập sử dụng khoảng 2.000.000 lao động.

– Tổng doanh thu của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đạt 14,57 triệu tỷ đồng, chiếm 83,5% tổng doanh thu của các loại hình doanh nghiệp, gấp hơn 5 lần doanh thu của doanh nghiệp nhà nước. Lợi nhuận trước thuế đạt 514.722 tỷ đồng, chiếm 72,3% tổng lợi nhuận trước thuế của các loại hình doanh nghiệp[4].

– Các đơn vị kinh tế tư nhân đã đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm trong nước (GDP): Các đơn vị kinh tế tư nhân đã đóng góp 2,7 triệu tỷ đồng chiếm 61,15% GDP cả nước.

Năm 2017, các đơn vị kinh tế tư nhân của TP. Hà Nội đã đóng góp 62,44% tổng số thu ngân sách, 34,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; TP. Hải Phòng các đơn vị kinh tế tư nhân đóng góp 31,86% tổng số thu ngân sách, 94,33% tổng kim ngạch xuất khẩu; TP. Hồ Chí Minh các đơn vị kinh tế tư nhân đóng góp 71,89% GRDP của thành phố… Đồng thời, các đơn vị kinh tế tư nhân đã tham gia tích cực, có hiệu quả đối với công tác an sinh xã hội của địa phương và cả nước.

  1. KẾT QUẢ XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐẢNG, PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN TRONG KINH TẾ TƯ NHÂN
  2. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã hình thành nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Để lãnh đạo phát triển kinh tế và tăng cường công tác xây dựng đảng trong khu vực kinh tế tư nhân, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, Nghị quyết số 11-NQ/TW “về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 “về đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 342-QĐ/TW, ngày 28/01/2010 về “Chế độ đảng phí”; Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”, Thông báo số 22-TB/TW, ngày 11/4/2017 “về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư khóa X”, Quyết định 99-QĐ/TW, ngày 30/5/2012 về “Quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở”, Quy định số 169-QĐ/TW, ngày 24/06/2008 về “Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp”. Ban Bí thư đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các loại hình đơn vị kinh tế tư nhân như: Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 15/4/2006 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong trường học, bệnh viện ngoài công lập”, Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 15/4/2006 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã)”, Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống (gọi chung là công ty)”, Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”, Quy định số 171-QĐ/TW về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành các hướng dẫn về mô hình tổ chức đảng, sinh hoạt chi bộ, chế độ đảng phí, như: Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 09/3/2010 về “Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 về “thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 17/10/2013 về “Xây dựng mô hình tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp”; Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, ngày 10/11/2006 về “Xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”; Văn phòng TW ban hành Hướng dẫn số 03-HD/VPTW, ngày 06/7/2016 về “thực hiện chế độ đảng phí theo Quy định số 342-QĐ/TW của Bộ Chính trị”…

Để phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân đạt kết quả tích cực, ban thường vụ một số tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án phù hợp địa phương[5]. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng để xác định những doanh nghiệp có điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể để bảo đảm các chương trình, đề án, kế hoạch khi thực hiện sát thực tiễn, có tính khả thi cao, phù hợp từng giai đoạn; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm, xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; giao chỉ tiêu thành lập tổ chức đảng cho các cấp ủy; hướng dẫn, đôn đốc, sơ kết, kiểm tra các cấp ủy triển khai thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

  1. Kết quả xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

2.1. Xây dựng, phát triển tổ chức đảng

Thực hiện các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy trong cả nước đã tập trung xây dựng, phát triển tổ chức đảng. Căn cứ Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về “Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng”, Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, về “Xây dựng mô hình tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp”, một số cấp ủy như Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trực thuộc thành uỷ; các đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hoạt động có hiệu quả khẳng định được vai trò, vị trí, gắn kết công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp với phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Một số tỉnh, thành khác có ít tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thì thành lập đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp, khu chế xuất trực thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố[6].

Một số quận, huyện đã chỉ đạo thành lập các đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện[7]; các đảng bộ khối doanh nghiệp cấp huyện đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; hướng dẫn, hỗ trợ, uốn nắn kịp thời để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; là cầu nối giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo quận ủy, huyện uỷ, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong khối chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Một số cấp ủy đã tiến hành rà soát, lập danh sách và hướng dẫn đảng viên đã làm việc ổn định tại doanh nghiệp trên 12 tháng nhưng đang sinh hoạt đảng tại địa phương chuyển sinh hoạt đảng về tổ chức đảng nơi đang làm việc. Tại những đơn vị chưa có tổ chức đảng nhưng qua rà soát có đủ đảng viên để thành lập chi bộ thì cấp ủy cấp trên làm việc với chủ doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chuyển đảng viên về để thành lập chi bộ; đối với những đơn vị chưa đủ đảng viên thành lập chi bộ thì cấp ủy cấp trên chuyển đảng viên ở địa phương về tổ chức đảng phù hợp, thành lập chi bộ ghép để hoạt động và tiếp tục đẩy mạnh phát triển đảng viên, khi đủ điều kiện thì tách thành chi bộ độc lập của từng đơn vị.

Tính đến 01/10/2018, cả nước có 12.808 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân (chủ yếu là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước), tăng 10.799 tổ chức đảng, gấp 6,38 lần so với năm 2008 nhưng chỉ chiếm 1,49% tổng số doanh nghiệp. Cụ thể: Có 21 đảng bộ cấp trên cơ sở, chiếm 0,16%; 1.481 đảng bộ cơ sở, chiếm 11,56%; 4.160 chi bộ cơ sở, chiếm 32,48%; 75 đảng bộ bộ phận, chiếm 0,59% và 7.070 chi bộ trực thuộc, chiếm 55,2% tổng số tổ chức đảng. Có 7.223 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, chiếm 56,39%; 2.968 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, chiếm 23,16%; 526 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, chiếm 4,11%; 1.079 tổ chức đảng trong các hợp tác xã, chiếm 8,42%; 629 tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chiếm 4,91%. Các tỉnh ủy, thành ủy có nhiều tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân như: Hà Nội 2.801 tổ chức đảng, chiếm 21,87%; TP Hồ Chí Minh 2.420 tổ chức đảng, chiếm 18,89%; Quảng Ninh 546 tổ chức đảng, chiếm 4,26%; Hải Phòng 488 tổ chức đảng, chiếm 3,81%; Thanh Hóa 439 tổ chức đảng, chiếm 3,43%.

2.2. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

– Căn cứ các Quy định của Ban Bí thư[8] về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở, đa số tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân đã để cụ thể hoá nhiệm vụ chính trị và xây dựng quy chế làm việc phù hợp. Nhiều tổ chức đảng đã xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp nhằm xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong phát triển doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng.

Nhiều tổ chức đảng đã giữ được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo xây dựng các đoàn thể vững mạnh, nhất là tổ chức công đoàn; tham gia ý kiến về chiến lược, kế hoạch kinh doanh; có hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người lao động. Cấp ủy kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, quần chúng để phản ánh với chủ doanh nghiệp xem xét, giải quyết.

Một số cấp ủy đã chủ động xây dựng quy hoạch, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, bản lĩnh, uy tín, am hiểu công tác đảng tham gia cấp uỷ; lựa chọn bầu bí thư cấp uỷ là lãnh đạo, chủ doanh nghiệp; giới thiệu cán bộ, đảng viên có uy tín để chủ doanh nghiệp xem xét, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý… Những tổ chức đảng có cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy là lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đã thể hiện rõ vị trí, vai, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển của doanh nghiệp, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng được nâng lên. Qua đó tạo niềm tin, nâng cao uy tín của tổ chức đảng đối với chủ doanh nghiệp, người lao động.

Nhiều tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân đã duy trì và từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh. Một số cấp ủy cấp trên trực tiếp tổ chức đảng đã cử cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ, nhất là những chi bộ yếu kém hoặc mới thành lập để hướng dẫn, giúp đỡ phương pháp điều hành, hoàn thiện nội dung, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Có nơi đã mời chủ doanh nghiệp dự sinh hoạt chi bộ, chủ động trao đổi nội dung sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ với chủ doanh nghiệp. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng hằng năm dần đi vào nền nếp, kết quả ngày càng thực chất hơn.

  1. Kết quả phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Từ năm 2010-2018, các tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân đã kết nạp được 89.567 đảng viên, gồm: 66.635 đảng viên là lao động trực tiếp, chiếm 74,40%; 12.154 đảng viên là cán bộ các đoàn thể, chiếm 13,57%; 9.365 đảng viên tham gia quản lý, chiếm 10,46% và 1.413 đảng viên là chủ đơn vị kinh tế tư nhân, chiếm 1,58%. Thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. Thời gian qua, các tỉnh ủy, thành ủy đã kết nạp được 415 quần chúng là chủ các doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng[9] nâng tổng số đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân lên 2.351 đảng viên[10].

Tính đến 01/10/2018, có 182.995 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, gồm: 92.934 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, chiếm 50,78%; 51.437 đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, chiếm 28,11%; 8.923 đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 4,88%; 8.777 đảng viên trong các hợp tác xã, chiếm 4,80%; 8.096 đảng viên trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chiếm 4,42% và 12.828 đảng viên trong hộ kinh doanh cá thể, chiếm 7,01% tổng số đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Trong tổng số đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân có 53.565 đảng viên từ các tổ chức đảng khác chuyển đến, chiếm 29,27% và có 22.948 đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chiếm 12,54%.

Độ tuổi đảng viên: Từ 18 – 30 tuổi 31.142 đảng viên, chiếm 17,02%; từ 31 – 40 tuổi 61.408 đảng viên, chiếm 33,56%; từ 41 – 50 tuổi 52.126 đảng viên, chiếm 28,48%; từ 51 – 60 tuổi 27.142, chiếm 14,83%; từ 61 tuổi trở lên 11.177 đảng viên, chiếm 6.11%.

Trình độ học vấn: Tiểu học 950 đảng viên, chiếm 0,52%; trung học cơ sở 16.163, chiếm 8,83%; trung học phổ thông 156.246, chiếm 90,65%.

Trình độ chuyên môn: Công nhân, nhân viên 45.227 đảng viên, chiếm 24,72%; trung cấp 29.302, chiếm 16,01%; cao đẳng 17.794, chiếm 9,72%; đại học 84.750, chiếm 46,31%; trên đại học 5.922, chiếm 3,69%.

Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp 154.113 đảng viên, chiếm 84,22%; trung cấp 22.983, chiếm 12,56%; cao cấp, cử nhân 5.899, chiếm 3,22%.

Phần lớn đảng viên là người lao động trong các doanh nghiệp có phẩm chất đạo đức, tích cực học tập nâng cao trình độ, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, công tác kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên được cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo thực hiện, một số tổ chức đảng đã lấy ý kiến chủ doanh nghiệp trước khi nhận xét, đánh giá đảng viên.

  1. Đánh giá chung

   4.1. Ưu điểm

– Các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân được ban hành sớm[11], các ban đảng Trung ương hướng dẫn tương đối kịp thời nên đã tạo sự đồng thuận và thuận lợi trong triển khai tổ chức thực hiện.

– Một số cấp ủy, chính quyền đã tích cực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách và hướng dẫn của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đưa các chủ trương, chính sách phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân dần đi vào cuộc sống.

– Kết quả phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở một số địa phương đã có chuyển biến tích cực; số lượng tổ chức đảng, đảng viên tăng nhanh trong thời gian gần đây[12]. Chất lượng đảng viên kết nạp mới từng bước được nâng lên[13].

   4.2. Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân

  1. a) Hạn chế, khuyết điểm

– Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân kết quả còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

– Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục của một số cấp ủy đối với chủ đơn vị kinh tế tư nhân chưa thường xuyên, liên tục, kết quả còn hạn chế; biện pháp giáo dục, động viên, khích lệ người lao động phấn đấu trở thành đảng viên chưa hiệu quả.

– Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa ngang tầm với tình hình thực tiễn[14]. Nhiều tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân khó khăn về kinh phí hoạt động, phụ thuộc vào doanh nghiệp; chưa có chế độ khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác đảng; một số tổ chức đảng chưa có nơi sinh hoạt ổn định.

– Tỷ lệ đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đảng còn rất thấp, tỷ lệ đảng viên chỉ chiếm 0,78% tổng số lao động; đa số tổ chức đảng là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, số lượng đảng viên ít[15].

– Sự đóng góp của tổ chức đảng đối với sự phát triển của đơn vị kinh tế tư nhân còn hạn chế; vị trí, vai trò của không ít tổ chức đảng còn mờ nhạt; chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế.

  1. b) Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm

– Đa số đơn vị kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ[16], sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp. Mặt khác, công tác xây dựng đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là việc khó, nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ.

– Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người lao động, chủ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa đầy đủ, sâu sắc; có lúc, có nơi thiếu thống nhất; thậm chí có một số chủ đơn vị kinh tế tư nhân không ủng hộ việc thành lập và chưa tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động.

– Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, phương pháp thực hiện chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; còn có tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì. Một số nơi chưa tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế tư nhân.

– Cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế hỗ trợ tài chính để phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Một số chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên chậm sửa đổi, bổ sung; chính sách đối với cấp ủy viên, bí thư cấp ủy trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa phù hợp.

– Vai trò của tổ chức công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc thành lập tổ chức và phát triển triển đảng viên mới ở các đơn vị kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra[17].

  1. 5. Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn quá trình xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải thống nhất nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng để tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong tổ chức thực hiện.

Hai là, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động trong xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

   Ba là, đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp về tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tích cực cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các đơn vị kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững trên cơ sở đó thúc đẩy phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

   Bốn là, thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên mới phải gắn liền với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên. Đẩy mạnh kết nạp đảng viên mới đối với chủ đơn vị kinh tế tư nhân, lãnh đạo các đoàn thể, những người tham gia quản lý doanh nghiệp; giới thiệu đảng viên có năng lực giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp tham gia cấp ủy và trực tiếp làm bí thư cấp ủy; chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng; tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí cho tổ chức đảng hoạt động độc lập, hiệu quả.

   Năm là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị kinh tế tư nhân; gắn việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước với công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN Ở CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG THỜI GIAN TỚI

  1. Dự báo tình hình

– Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển lành mạnh, hiệu quả thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vị trí quan trọng trong giải quyết việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.

– Công tác xây dựng đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

– Số lượng doanh nghiệp sẽ tăng nhanh để đạt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; số hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tăng nhanh do thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công; các hộ kinh doanh cá thể sẽ liên kết hình thành các hợp tác xã hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Quy mô các đơn vị kinh tế tư nhân sẽ tăng lên, các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu được hình thành ngày càng nhiều.

  1. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

2.1. Về nhận thức

– Thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động của hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu khách quan vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân chính là tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên

– Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để chủ đơn vị kinh tế tư nhân nhận thức đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; sự cần thiết khách quan và tác dụng của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân. Giáo dục, động viên người lao động phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành đúng pháp luật, phấn đấu trở thành đảng viên.

– Định kỳ hoặc khi cần thiết cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với chủ đơn vị kinh tế tư nhân để nắm tình hình, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; tạo sự đồng thuận để thành lập, hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị kinh tế tư nhân làm tốt công tác xây dựng đảng, chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.

2.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

– Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân; tăng cường quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng pháp luật. Quy định, hướng dẫn đơn vị kinh tế tư nhân được hạch toán vào chi phí giá thành những kinh phí đơn vị hỗ trợ cho tổ chức đảng hoạt động.

– Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động của tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân. Quy định mức kinh phí chi cho việc thành lập; chi hoạt động thường xuyên; chi đào tạo, bồi dưỡng; chi kết nạp, bồi dưỡng đảng viên mới… từ ngân sách của Đảng. Bổ sung, sửa đổi chế độ phụ cấp đối với cấp ủy viên, mức đóng đảng phí, tỷ lệ trích nộp đảng phí lên cấp trên phù hợp với khu vực kinh tế tư nhân.

– Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng; ban hành khung quy chế làm việc của cấp ủy, xác định mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức đảng và quyền của đảng viên.

– Cấp ủy các cấp quan tâm đầu tư, bố trí nơi sinh hoạt đảng, đoàn thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp hoặc các thiết chế của công đoàn; tăng cường phối hợp với chủ các đơn vị kinh tế tư nhân tạo điều kiện về thời gian để sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

2.3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng

– Các tỉnh ủy, thành ủy củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân cấp tỉnh, cấp huyện; ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân với lộ trình cụ thể.

– Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng phù hợp với sự phát triển kinh tế tư nhân của địa phương; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động những tổ chức đảng ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập mà nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

– Quy định trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy cấp huyện, đảng ủy các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đảng ủy khối doanh nghiệp cấp tỉnh,trong phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân.

– Các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; kỷ luật kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; xem xét giải thể các tổ chức đảng yếu kém nhiều năm liền đã củng cố, giúp đỡ nhưng không có chiều hướng tiến bộ.

2.4. Về phát triển tổ chức đảng, đảng viên

– Tập trung khảo sát, đánh giá để xác định những đơn vị kinh tế tư nhân tuân thủ pháp luật, sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả, có điều kiện để chỉ đạo thành lập tổ chức đảng; chú trọng thành lập tổ chức đảng ở các hợp tác xã, tập đoàn kinh tế tư nhân, các đơn vị kinh tế tư nhân vừa và lớn, sử dụng nhiều lao động, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các đơn vị kinh tế tư nhân khác.

– Tiếp tục rà soát, chuyển đảng viên đã làm việc ổn định tại đơn vị kinh tế tư nhân trên 12 tháng về tổ chức đảng phù hợp hoặc để thành lập tổ chức đảng. Xác định những người lao động có đủ tiêu chuẩn để xem xét kết nạp vào Đảng; chú trọng kết nạp vào Đảng đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và những người trong bộ máy quản lý, ban chấp hành các đoàn thể của các đơn vị kinh tế tư nhân.

– Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, thanh niên trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để bổ sung nguồn đảng viên có chất lượng, được đào tạo bài bản cho khu vực kinh tế tư nhân.

– Tập trung củng cố, xây dựng công đoàn cơ sở trong các đơn vị kinh tế tư nhân vững mạnh; quy định trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp trong việc giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng.

2.5. Về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tăng cường quản lý đảng viên

– Cấp ủy cấp trên trực tiếp tăng cường chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy. Tăng cường phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên là chủ đơn vị kinh tế tư nhân hoặc thành viên trong ban lãnh đạo của đơn vị. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, bố trí thời gian hợp lý để bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng. Hướng dẫn sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ phù hợp với đặc thù của đơn vị kinh tế tư nhân. Phân công cấp ủy cấp trên phụ trách, dự sinh hoạt chi bộ nhằm hướng dẫn, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xem xét chuyển một số đảng viên của đảng bộ cấp trên có khả năng, kinh nghiệm công tác đảng đến sinh hoạt đảng ở những chi bộ ít đảng viên, mới thành lập.

– Các tổ chức đảng chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chủ động tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển đơn vị, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động để lãnh đạo đơn vị giải quyết.

– Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đảng viên; phân công nhiệm vụ cụ thể, quản lý chặt chẽ đảng viên; xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, nội quy của đơn vị; lao động tích cực, sáng tạo, có năng suất, hiệu quả cao được giới chủ và người lao động tin tưởng, tôn trọng; rà soát, sàng lọc đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

2.6. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực cho tổ chức đảng, đảng viên

– Các cấp ủy cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của các tổ chức đảng trong tham gia xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân của địa phương. Có cơ chế để cấp ủy cùng với chủ đơn vị kinh tế tư nhân phản ánh những khó khăn, vướng mắc để chính quyền cấp trên giải quyết kịp thời.

– Cấp ủy viên, bí thư cấp ủy trong các đơn vị tư nhân nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện được giới thiệu để bầu vào cấp ủy cấp trên. Bổ sung tiêu chí khi xét khen thưởng, tặng các danh hiệu đối với đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả; tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

– Cấp ủy cấp trên chỉ đạo các tổ chức đảng phối hợp với chủ đơn vị kinh tế tư nhân phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị./.

 

[1] Điều 183 Luật Doanh nghiệp.

[2] Điều 110 Luật Doanh nghiệp.

[3] Tính đến 01/10/2018.

[4] Số liệu năm 2016, Niên giám thống kê, NXB Thống kê, năm 2018, tr 330, 400.

[5] Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn đến năm 2020”; Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 18/01/2013 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, đoàn thể chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 10/11/2009 về “Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Quyết định số 451-QĐ/TU, ngày 24/10/2011 về việc “Ban hành Đề án xây dựng mô hình, phát triển tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Tỉnh, giai đoạn 2011-2015”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Quyết định số 5155-QĐ/TU, ngày 08/02/2014 về việc “Ban hành Đề án phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2020″; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 07-QĐ/TU, ngày 17/03/2008 về ” Xây dựng, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”; Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 03/02/2012 về “Xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp Tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011-2015”. Bình Dương ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU giai đoạn 2011-2015, Chương trình hành động số 16-CTr/TU giai đoạn 2016-2020 về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 19/11/2008, Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 21/8/2015 về củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 07/11/2011về tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…

[6] Thành phố Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai…

[7] Hà Nội có 25/30; Thành phố Hồ Chí Minh có 23/24; Thành phố Hải Phòng thành lập Đảng bộ cơ sở khối doanh nghiệp Huyện Thủy Nguyên; Quảng Ninh có 6; Bắc Giang có 2; Đồng Nai có 1.

[8] Quy định số 288-QĐ/TW của Ban Bí thư (Khoá IX), Quy định số 170-QĐ/TW và Quy định số 171- QĐ/TW ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư (Khoá XI).

[9] Chức danh giám đốc có 295 người (chiếm 71,8%); chủ tịch hội đồng quản trị có 56 người (chiếm 13,7%); chủ tịch hội đồng thành viên có 13 người (chiếm 3,4%); thành viên công ty hợp danh có 49 người (chiếm 11,8%).

[10] Tính đến 01/10/2016 có 2.361 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân 871 người (chiếm 37%); công ty trách nhiệm hữu hạn 729 người (chiếm 31%); công ty cổ phần có 733 người (chiếm 31,2%) và công ty hợp danh 18 người (chiếm 1%).       Theo chức danh lãnh đạo: Giám đốc doanh nghiệp tư nhân 1.794 người (chiếm 76,3%); chủ tịch hội đồng quản trị 268 người (chiếm 11,4%); chủ tịch hội đồng thành viên 61 người (chiếm 2,6%); thành viên công ty hợp danh có 228 người (chiếm 9,7%).

[11] Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW từ năm 1996.

[12] Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã thành lập mới được 1.170 tổ chức đảng, kết nạp được 7.849 đảng viên (trong đó có 25 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân).

[13] Trình độ học vấn tăng từ 85,40% năm 2010 lên 90,13% năm 2018; trình độ chuyên môn đại học trở lên từ 41,12% lên 42,52%.

[14] Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” ban hành ngày 24/10/2014 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chưa được quan tâm đúng mức.

[15] Tỷ lệ tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân mới đạt 0,86%; doanh nghiệp có vốn nhà nước 68,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2,94%; trong hợp tác xã 6,02%; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập 2,49%. Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở chiếm 55,2%. Số đảng viên bình quân của 01 tổ chức đảng là 14 đảng viên.

[16] Doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), chiếm 70,53%; doanh nghiệp nhỏ (10 đến dưới 50 lao động) chiếm 22,81%.

[17] Mục tiêu hằng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu để kết nạp một đoàn viên công đoàn ưu tú vào Đảng chưa thực hiện được; tỷ lệ đảng viên trong độ tuổi thanh niên còn thấp (17,02% tổng số đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân).

Trả lời