Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) và Công ty Vinexad tổ chức Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc)-Việt Nam.

Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)
Đại diện Sở Thương mại Quảng Tây phát biểu tại Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc)-Việt Nam ngày 12/1. (Ảnh: Vân Chi)

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc từ ngày 10-13/1, đoàn đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây do ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây dẫn đầu sẽ tới Việt Nam để thực hiện một loạt hoạt động kinh tế thương mại. Đây là đoàn đại biểu các cơ quan cấp tỉnh đầu tiên của Quảng Tây đến thăm Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát 3 năm qua.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giao lưu hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại trên các lĩnh vực. Việt Nam đã duy trì vị thế là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong 23 năm liên tiếp, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của hai bên đã đạt 200 tỷ Nhân dân tệ.

Đặc biệt, Quảng Tây (Trung Quốc) đã ghi nhận hoặc phê duyệt tổng số 181 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (loại hình phi tài chính), tổng số tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc là 1,26 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực tế là 140 triệu USD.

Các doanh nghiệp Quảng Tây ký kết hợp đồng công trình với doanh thu hoàn thành lũy kế là 1,09 tỷ USD; Việt Nam đã thành lập tổng cộng 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Tây, tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng là 184 triệu USD.

Với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, kim ngạch thương mại sẽ được mở rộng hơn nữa, mang lại cơ hội hợp tác tốt hơn cho doanh nghiệp hai bên.

Theo đại diện Sở Thương mại Quảng Tây, hiện nay, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên đã bước vào giai đoạn nâng cấp quan trọng. Mục đích của chuyến thăm này là thực hiện tinh thần cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước và “Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc- Việt Nam,” tăng cường giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam, thúc đẩy tối ưu hóa cơ chế hợp tác kinh tế và thương mại liên Chính phủ.

Bên cạnh đó, tích cực xây dựng nền tảng trao đổi và đàm phán cho doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Quảng Tây-Việt Nam không ngừng đi vào chiều sâu, phấn đấu đạt được phạm vi rộng hơn, mức độ sâu hơn, kết quả thực chất hơn, nhiều dự án hơn, lĩnh vực hợp tác tác rộng rãi hơn.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, nhiều năm qua với vai trò là cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, tỉnh Quảng Tây đã phát huy vai trò cầu nối rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Thống kê của Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc), kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 đạt 172,65 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 25,5 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 29,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với thế giới. Đặc biệt, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 23 năm liên tục.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước cũng gặp không ít khó khăn. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Việt Nam với Quảng Tây đã sụt giảm liên tục.

Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 68,7% so với cùng kỳ.

Để khắc phục những khó khăn trên, ông Tô Ngọc Sơn khuyến nghị Sở Thương mại Quảng Tây phối hợp với cơ quan liên quan của Quảng Tây sớm hoàn thiện quy trình, quy định với người và hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, khôi phục trạng thái thông qua như trước dịch Covid-19.

Cùng đó, đề nghị các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu và vận dụng năng lực thông quan hàng hóa của các cửa khẩu trên địa bàn Quảng Ninh và Cao Bằng để thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa với phía Quảng Tây (Trung Quốc).

Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên, ngày 12/1. (Ảnh: Vân Chi)

Ông Tô Ngọc Sơn cho hay, Tết cổ truyền của của hai nước đang đến gần, nhu cầu hàng hóa cũng tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, lượng hàng hóa được vận chuyển tới các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất nhiều, tạo ra áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ và nhân viên làm công tác thông quan của tỉnh Lạng Sơn.

Do vậy, doanh nghiệp cần tích cực phân luồng hàng hóa, nghiên cứu thống nhất phương thức giao nhận qua cửa khẩu trên địa bàn Quảng Ninh và Cao Bằng nhằm giảm thiểu rủi ro ùn tắc hàng hóa kéo dài.

Mặt khác, doanh nghiệp cần làm tốt việc quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường tìm hiểu thông tin, quy định của phía Trung Quốc với sản phẩm nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa được thông quan thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị giao thương, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên, đã có 8 hạng mục hợp tác kinh tế thương mại được xác nhận, trong đó có 3 hạng mục là Thỏa thuận hợp tác khung được ký kết bởi doanh nghiệp có vốn nhà nước, 5 hạng mục là hợp đồng đặt hàng hàng năm giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, giá trị các hợp đồng thương mại dự kiến có thể đạt 900 triệu Nhân dân tệ.

Trong thời gian này, đoàn đại biểu kinh tế và thương mại Quảng Tây đã tham gia một số hoạt động kinh tế, thương mại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; thăm và làm việc với Bộ Công Thương, Phòng Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, thăm và khảo sát tại Khu Công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang…

Nguồn tin: Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) (baoquocte.vn)

Trả lời