Bộ trưởng Ngoại giao Australia: Người Việt có ‘tư duy chiến lược’

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (ngày 21-24/8), ngày 22/8, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đã chia sẻ với báo giới về quan hệ song phương, ưu tiên hợp tác, cũng như ấn tượng trong lần trở lại quốc gia Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong trao đổi với báo chí Việt Nam ngày 22/8.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong trả lời phỏng vấn ngày 22/8. (Ảnh: Tuấn Việt)

Hợp tác chặt chẽ và thực chất

Bộ trưởng có thể nêu một số ưu tiên trong chuyến thăm Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước?

Trong chuyến thăm, chúng tôi tập trung thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác để hướng tới mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời thảo luận về nội hàm và phương thức triển khai, bởi chúng tôi muốn một mối quan hệ Đối tác thực sự có ý nghĩa.

Song song với đó, chúng tôi cũng muốn tiếp tục duy trì các hợp tác thực chất như hiện nay trong các lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu và giáo dục. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng. Tôi rất mong chờ tới TP.HCM bởi đây không chỉ là trung tâm kinh tế của Việt Nam, mà còn chứng kiến sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp Australia và những hợp tác của họ tại thành phố này.

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny WongTiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong

Trong chuyến thăm, vấn đề hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu hay chuyển đổi số được đề cập như thế nào?

Tôi cho rằng, tuyên bố nhân dịp 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã phản ánh những ưu tiên này.

Chúng tôi đã công bố một gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi năng lượng. Quỹ mới trị giá 94,5 triệu AUD (60,88 triệu USD) (*) dùng để hỗ trợ việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cả hai nước chia sẻ cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 trong khi tiếp tục phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam và Australia cần duy trì hợp tác để bảo đảm rằng cả hai nước có thể tận dụng tối đa cơ hội, thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đó là nỗ lực quan trọng mà chúng tôi đang thực hiện với Việt Nam, song song với những hoạt động khác trong khu vực hiện nay.

Vậy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục thì sao, thưa Bà?

Tôi có mối quan tâm đặc biệt về lĩnh vực này. Cha tôi là một học giả ở Malaysia từng theo học Chương trình Colombo của Australia. Sau khi khóa học tại Adelaide kết thúc, ông đã trở về quê hương. Thời gian học tập đó đã hình thành nên mối liên kết chặt chẽ giữa ông và Australia, kéo dài suốt cả cuộc đời ông. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng.

Trong các cuộc gặp gỡ, thảo luận, phía Việt Nam cho biết, họ muốn tăng cường hợp tác trong giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực từ cấp lãnh đạo tới chuyên viên. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm ở Trung tâm Việt Nam-Australia.

Trong chuyến thăm hồi tháng 6, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Australia coi Việt Nam là đối tác then chốt trong khu vực ASEAN. Vậy Australia đang làm gì để ủng hộ vai trò Việt Nam trong ASEAN?

Đây là một câu hỏi hay. Chúng ta nên bắt đầu với việc tại sao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại quan trọng. Với chúng tôi, ASEAN là trung tâm của một khu vực bao gồm cả Australia. Vì thế, Australia cho rằng ASEAN có vai trò trung tâm quan trọng, là yếu tố then chốt trong việc duy trì một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Australia nhận thức rõ tiềm năng và sức mạnh kinh tế của ASEAN. Có thể coi ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới với hơn 600 triệu người. Đây sẽ là trung tâm của một trong những khu vực năng động nhất thế giới và các bạn là một phần trong đó. Vì thế, trong ASEAN, Australia muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam.

Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã kêu gọi Australia tăng cường hiện diện kinh tế tại khu vực. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược kinh tế Đông Nam Á và sẽ sớm công bố thời gian tới.

“Chúng tôi không phải một cường quốc. Australia có diện tích lớn, nhưng có dân số ít hơn Việt Nam. Do đó, chúng tôi muốn mang tới mối quan hệ này những gì mình có. Chúng tôi có thể hỗ trợ các bạn về giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và rất vui khi có thể làm điều đó”. (Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong)

Ấn tượng với văn hóa, ẩm thực Việt

Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 6/2022, bà đã thưởng thức món phở gà. Trong lần trở lại này, bà mong muốn trải nghiệm thêm món ăn nào?

Hẳn là món bún chả rồi. Tôi rất mong trải nghiệm món đặc sản này của Hà Nội. Lần gần đây nhất tới Hà Nội trong kỳ nghỉ, tôi đã có dịp được thưởng thức chả cá Lã Vọng. Đó cũng là món ăn rất ngon. Tôi cho rằng, Việt Nam có một nền ẩm thực tuyệt vời. Australia đã nhận được nhiều lợi ích từ sự giao thoa của các nền ẩm thực và văn hóa khác nhau.

Tối 22/8, sự kiện Taste of Australia diễn ra với quy mô trên 1.000 người. Tôi mong rằng sự kiện này thể hiện được những lợi ích đó từ sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt Nam-Australia.

Bà ấn tượng nhất điều gì về văn hóa, con người Việt Nam trong những lần ghé thăm mảnh đất này?

Rất nhiều thứ. Các bạn có nền văn hóa đặc sắc với lịch sử lâu đời. Quan trọng hơn, các bạn luôn kế thừa tinh thần, truyền thống lịch sử ấy, kết hợp với những kiến thức mới để vượt qua thách thức, khó khăn ở hiện tại.

Thêm vào đó, tôi cho rằng, người Việt có tư duy chiến lược: một mặt, các bạn luôn suy nghĩ một cách chiến lược về những thách thức mình đang phải đối mặt và luôn tìm cách vượt qua; mặt khác, các bạn luôn nồng nhiệt, chào đón tất cả mọi người.

Sáng hôm nay, tôi đã có dịp đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm. Điều thú vị nằm ở chỗ ngay cả khi nhiều người không biết tôi là ai, họ vẫn chào hỏi, mỉm cười và vẫy tay một cách đầy thân thiện.

Tôi cho rằng bên cạnh liên kết chính trị hay kinh tế, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là động lực không kém phần quan trọng, giúp thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam-Australia trong thời gian tới.

(*) Gói hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (94,5 triệu AUD, 2023-2034) của Australia dành cho Việt Nam gồm 4 hạng mục: (i) Thích ứng với biến đổi khí hậu cho chương trình Đồng bằng sông Cửu Long (75 triệu AUD, 2024-2034); (ii) Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo (15 triệu AUD, 2023-2028); (iii) Diễn đàn Đối tác kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng đồng bằng sông Cửu Long (2.5 triệu AUD, 2023-2025) và (iv) Các hoạt động đối tác ngành nước Việt Nam-Australia (2 triệu AUD, 2023-2024).

Nguồn tin: Bộ trưởng Ngoại giao Australia: Người Việt có ‘tư duy chiến lược’ (baoquocte.vn)

Trả lời