Chủ tịch nước dự BRF: Đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, liên kết kinh tế và kết nối khu vực

Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định, chuyến công tác tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó, có BRI.

Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định, chuyến công tác tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó, có BRI.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, hợp tác thực chất và đạt những tiến triển mới, tích cực. Đại sứ đánh giá thế nào về mục đích, ý nghĩa của chuyến tham dự BRF lần thứ 3 tại Bắc Kinh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng?

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự BRF lần thứ ba tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 17-20/10.

Đây là chuyến công tác Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Võ Văn Thưởng trên cương vị Chủ tịch nước và là lần thứ 3 Lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn BRF do Trung Quốc tổ chức, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Chuyến công tác Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có BRI vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là dịp để Lãnh đạo hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022), thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực sâu hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, bất đồng được kiểm soát tốt hơn.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và kinh tế thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc, sự tham dự BRF lần thứ ba của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hoạt động thiết thực triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, truyền tải thông điệp về một Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vì hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác của khu vực và thế giới.

Logo BRF lần thứ ba tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: China Daily)

Đại sứ có thể cho biết những nội dung trọng tâm của BRF lần này và dự kiến những đóng góp của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại diễn đàn?

Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Vì sự phát triển và thịnh vượng chung”, BRF lần này tập trung thảo luận, tổng kết những thành tựu BRI đạt được trong 10 năm qua, trao đổi triển vọng, phương hướng hợp tác trong tương lai.

Diễn đàn gồm 3 phiên cấp cao với nội dung trọng tâm về kinh tế số như động lực mới của tăng trưởng, kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở, con đường tơ lụa xanh vì sự hài hoà với thiên nhiên và 6 diễn đàn khác về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và hợp tác trên biển.

Việc Chủ tịch nước tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại BRF lần thứ 3 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp từ khoảng 140 quốc gia, các tổ chức quốc tế, sẽ đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chia sẻ các thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam, thu hút hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn tin: Chủ tịch nước dự BRF: Đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, liên kết kinh tế và kết nối khu vực (baoquocte.vn)

Trả lời