Đại biểu Quốc hội: Quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng

Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Đại biểu Quốc hội: Quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng
Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội chiều 21/11.

Nhiều khó khăn của ngành tư pháp chưa được giải quyết

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Nhằm đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn của ngành tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân góp ý đối với 5 kiến nghị của viện kiểm sát (VKS) và 5 khó khăn của tòa án nhân dân (TAND) tại Báo cáo số 110 cần được Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 để các cơ quan có liên quan thực hiện.

Đại biểu cho rằng, báo cáo những năm qua đã ghi nhận các hạn chế này nhưng đến nay nhiều nội dung chưa đưa vào giải quyết. Đơn cử báo cáo của hai cơ quan TAND và VKS đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân quan tâm nhất về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc và nguyên nhân cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo cho một biên chế trong từng ngành tư pháp và đảm bảo cho hoạt động thực tế của ngành theo luật định.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị pháp luật cần quy định rõ hơn nội dung do ngân sách nhà nước của địa phương đảm bảo mức nào, hỗ trợ ra sao cho các cơ quan tư pháp cùng cấp để hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, kiến nghị nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho các ngành tư pháp ở các cấp thì cần có cơ chế tài chính đảm bảo để Tòa án nhân dân, VKSND các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tống đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới.

Song song với đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển.

“Điều này chính là cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là với đội ngũ thẩm phán.

Đồng thời cần sớm nghiên cứu ban hành Luật Thừa phát lại đã được Quốc hội khóa XIII giao cho Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân xây dựng Luật Thừa phát lại trong Quốc hội khóa 14 nhưng đến nay còn chậm”, bà Xuân bày tỏ.

Chính sách lương phụ cấp của còn nhiều bộc lộ, bất cập

Về vấn đề chống tham nhũng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan khi thực hiện các chức năng nhiệm vụ và đạt được những kết quả đã nêu trong báo cáo.

“Tình hình kinh tế – xã hội phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, kinh tế càng phát triển thì mâu thuẫn tranh chấp kinh tế không thể tránh khỏi, kể cả vi phạm pháp luật và tội phạm. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực trong phòng chống tội phạm, đã khởi tố truy tố và xét xử, tạo lập được niềm tin của người dân, của cử tri, tin tưởng vào pháp luật, vào công lý và xa hơn nữa là tin tưởng vào chế độ”, ông Thịnh nói.

Cho ý kiến về báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá, báo cáo rất khái quát nhưng lại rất cụ thể, phản ánh được sự đóng góp to lớn của ngành Kiểm sát trong việc giữ gìn bảo vệ hiến pháp vào bảo vệ pháp luật, quá trình thực thi pháp luật trong thực tiễn cuộc sống đất nước ta.

Tuy vậy, đại biểu nhận thấy còn một số vấn đề cần được góp ý thêm, đó là báo cáo mới chỉ nêu được những việc đã làm của ngành kiểm sát theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước diễn biến về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật cũng như tình hình khiếu kiện hành chính tranh chấp dân sự kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, tình hình những năm tiếp theo năm 2024, 2025 sẽ như thế nào, trong báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao chưa đưa ra được những dự báo để ngành kiểm soát có thể làm tốt hơn công tác được giao phó trong thời gian tới.

Báo cáo cũng chưa đề xuất được với Quốc hội những giải pháp đối với việc đối phó với tình hình có liên quan đến chức năng của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực.

Liên quan tới giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề xuất bổ sung nhiều giải pháp ngoài các giải pháp Chính phủ đưa ra.

Theo đó, bà Linh đề nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.

“Lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy rằng, chính sách lương phụ cấp của còn nhiều bộc lộ, bất cập. Để góp phần công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”, đại biểu Bình Thuận nêu.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Bà Linh đề nghị, trong quá trình xử lý những người vi phạm cần có sự phân loại đối tượng như đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh. Những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên cần phải được xem xét có chính sách khoan hồng.

Nguồn tin: Đại biểu Quốc hội: Quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng (baoquocte.vn)

Trả lời