Đại hội XIII: Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn của quốc gia về giao dịch quốc tế

Sáng 27/1, tại Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm chính trị – hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, giao dịch quốc tế, không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội mà còn là sự chung tay, đồng lòng của cả nước.

Thủ đô Sáng tạo của Đông Nam Á

Trong tham luận tại Đại hội, đại biểu Nguyễn Văn Phong đã điểm lại thành tựu sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết 15 – NQ/TW và Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII và khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, 12 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tham luận tại Đại hội XIII.

Theo đó, Hà Nội đã có nhiều đổi thay nhanh chóng, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 – 2020, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Từ một Thủ đô có chu vi khoảng 6 km, đến nay Hà Nội có diện tích 3.342,92 km²; dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số lượng đảng viên của cả nước và có 2.300 tổ chức cơ sở đảng.

Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

Ngày 30/10/2019, UNESCO tiếp tục chính thức ghi danh Hà Nội tham gia vào mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” thế giới. Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đưa Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á – điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Đại hội XIII: Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn của quốc gia về giao dịch quốc tế
Đại hội XIII: Hà Nội trang hoàng, lộng lẫy cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

5 định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá

Vị thế, yêu cầu phát triển đối với Thủ đô trong giai đoạn hiện nay ngày càng cao, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”, “Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện. Đây là yêu cầu khách quan được đặt ra”.

Nhận thức sâu sắc về điều đó cùng với tầm nhìn chiến lược rộng mở và quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị – xã hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Thông minh – Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025.

Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, tăng cường đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm chính trị – hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, giao dịch quốc tế, không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội mà còn là sự chung tay, đồng lòng của cả nước.

Đại biểu bày tỏ, Hà Nội mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương đến địa phương, bàn bè trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, từ đó tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Đồng thời, có cơ chế riêng đối với Hà Nội trong việc đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa, khoa học – công nghệ và thực hiện chuyển đổi số.

Nguồn:https://baoquocte.vn/dai-hoi-xiii-xay-dung-ha-noi-thanh-trung-tam-lon-cua-quoc-gia-ve-giao-dich-quoc-te-135026.html

Trả lời