Dấu ấn, thành tựu và kỳ vọng về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

Hai năm qua gắn với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hội nhập quốc tế… hoạt động ngoại giao được tổ chức triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo cả nội dung, hình thức, phương pháp, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, tháng 12/2021.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, tháng 12/2021.

Những dấu ấn nổi bật

Thứ nhất, sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn. Nâng tầm đối ngoại đa phương, đưa ngoại giao song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Từ năm 2021 đến gần cuối năm 2023, có gần 200 hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao; gần 50 đoàn lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước thăm các nước láng giềng, đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN và bạn bè truyền thống.

Chiều ngược lại, Việt Nam tiếp đón gần 50 đoàn cấp cao các nước, Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế. Hoạt động ngoại giao cấp cao với nhiều mục đích, đa lĩnh vực, tăng cường lòng tin chiến lược, chuyển hóa lợi thế quan hệ chính trị, ngoại giao thành lợi ích kinh tế, tạo đột phá, mở đường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh…

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, đặc biệt là nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong số sáu Đối tác chiến lược toàn diện, có ba Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Thu hút Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và đông đảo quần chúng tích cực tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân với hình thức phong phú, thiết thực; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, góp phần củng cố, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho ngoại giao.

Chúng ta được tín nhiệm bầu với số phiếu cao và phát huy vai trò trong các tổ chức quốc tế uy tín như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên chấp hành UNESCO (2021-2025), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025)… Kết quả đó thể hiện sự coi trọng của quốc tế với Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, tạo thế có lợi trong quan hệ song phương, đa phương và hài hòa quan hệ với các nước lớn.

Thứ hai, triển khai toàn diện hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực theo một chiến lược, kế hoạch tổng thể.

Ngoại giao kinh tế là mũi đột phá, được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc về lượng và chất. Trong gần hai năm qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 120 đoàn làm việc với các địa phương, hơn 100 hoạt động kết nối các đối tác quốc tế quan trọng, hỗ trợ ký kết hơn 250 văn bản hợp tác kinh tế quốc tế. Nhanh chóng chuyển từ ngoại giao vaccine sang phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Triển khai ngoại giao văn hóa với hình thức, nội dung phong phú, đặc sắc; tuyên truyền, giới thiệu truyền thống, di sản văn hóa dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giao lưu văn hóa, lan tỏa giá trị, hình ảnh đất nước, dân tộc, gắn kết văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa thế giới.

Tiếp tục thúc đẩy hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh phù hợp về nội dung, hình thức với các đối tác và bối cảnh khu vực, thế giới; tham mưu, xử lý đúng đắn, kịp thời nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp, nhất là về chủ quyền lãnh thổ.

Thứ ba, chủ động, tích cực, hiệu quả trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”; kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; quan tâm chăm lo hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao địa vị pháp lý, hòa nhập với người bản địa; bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các địa bàn có xung đột, thảm họa; gìn giữ tiếng Việt, gắn kết, đóng góp tích cực, hiệu quả xây dựng quê hương, đất nước.

Thứ tư, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại theo quan điểm mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII; quán triệt quan điểm của Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; xây dựng toàn diện về lĩnh vực, nội dung cấp độ, song phương và đa phương, khu vực, địa bàn; xây dựng hiện đại về tổ chức bộ máy, cơ chế, cách thức tiếp cận, hình thức hoạt động, phương thức vận hành, tác phong làm việc và ứng dụng khoa học – công nghệ, sử dụng phương tiện tiên tiến…

Nguyên nhân và bài học

Ngoại giao Việt Nam đánh dấu một giai đoạn kế thừa và phát triển mới, như khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, được xem là một điểm sáng trong những năm qua.

Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, thực hiện tốt bốn nhiệm vụ cơ bản: Tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác quan trọng; tranh thủ thời cơ, thu hút hiệu quả nguồn lực bên ngoài cho phục hồi, phát triển nhanh, bền vững; nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành tựu đó là do Ngoại giao quán triệt sâu sắc, thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện các quan điểm mới về đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đảng khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngoại giao trong tạo lực môi trường thuận lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển, tranh thủ nguồn lực quốc tế cho xây dựng đất nước. Xác định xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại để Ngoại giao trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Thực tiễn đó khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thắng lợi của ngoại giao.

Ngoại giao quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các bài học lớn qua tổng kết 76 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 35 năm đổi mới; làm phong phú, sâu sắc hơn trong hoạt động thực tiễn giai đoạn mới. Giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời mở rộng hợp tác, liên kết; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết đi đôi với thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế…

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kiên định, vững vàng trước diễn biến phức tạp của tình hình; chủ động nắm, nghiên cứu, dự báo, tham mưu sát, đúng với tình hình; phát huy tốt thế và lực mới của đất nước, bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; kiên định nguyên tắc, linh hoạt, uyển chuyển trong sách lược; thái độ chân thành, nhất quán giữa tuyên bố và hành động. Đặc biệt coi trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo yêu cầu mới; nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động thực tiễn; tích cực, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo tìm kiếm và thực hiện hướng đi mới, lĩnh vực mới, cách làm mới.

Kỳ vọng về một tầm cao mới

Trong nửa sau nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, thành tựu những năm qua tạo vị thế mới cho Ngoại giao, đồng thời đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi ngành Ngoại giao phải phải tích cực, chủ động, sáng tạo hơn; tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động đối ngoại.

Đầu tiên, ngành Ngoại giao cần xác định trọng tâm là tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng nhuần nhuyễn các quan điểm mới, các bài học lớn, tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh và bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng trong các đề án, chương trình, kế hoạch, bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đồng bộ trên ba trụ cột, tạo nền tảng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại; xây dựng toàn diện đi đôi với tập trung vào lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đối tác ưu tiên; xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh toàn diện làm nòng cốt; chú trọng xây dựng hiện đại về tư duy, cơ chế, phương thức, tổ chức bộ máy, đồng thời kế thừa các giá trị truyền thống.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; phát huy vai trò đối ngoại cấp cao; kết hợp chặt chẽ ngoại giao trên các lĩnh vực; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoại giao kinh tế; mạnh dạn tìm tòi lĩnh vực mới, địa bàn mới, cách làm mới; ưu tiên thúc đẩy động lực tăng trưởng chính, lĩnh vực mũi nhọn, như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, nông nghiệp xanh, phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, công nghệ bán dẫn, chip…

Thứ tư, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; triển khai các biện pháp tổng thể, đồng bộ về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, cơ chế, phương thức vận hành, tích cực chuyển đổi số, phát huy vai trò tiên phong của ngành Ngoại giao, đưa đối ngoại thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược, không để bị động, bất ngờ, ngăn ngừa nguy cơ, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ứng phó với sự biến chuyển nhanh của tình hình, đối tác; xử lý kịp thời, đúng đắn các vấn đề đối ngoại phức tạp; củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại, tạo thuận lợi cho xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền đối ngoại trong nước và quốc tế; chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc; tạo dư luận tốt, sự đồng thuận cao đối với ngoại giao Việt Nam.

Các Hội nghị Ngoại giao là những cột mốc quan trọng, đánh dấu quá trình xây dựng, trưởng thành và kế thừa, phát triển qua các giai đoạn. Thành tựu và các bài học quý hai năm qua là tiền đề quan trọng, tạo cơ sở để tin tưởng Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 thành công, nâng đối ngoại lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nguồn tin: Dấu ấn, thành tựu và kỳ vọng về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (baoquocte.vn)

Trả lời