Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường BRI: Lịch sử, điểm nhấn và lộ trình

Công cuộc cải cách mở cửa theo định hướng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” từ năm 1978 đem lại những thành tựu to lớn, đưa Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường kinh tế với sức mạnh vượt trội.

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần thứ hai có sự tham dự của đại biểu từ 190 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ của 36 quốc gia. (Nguồn: BRI Portal)

Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049, thực hiện được “Giấc mộng Trung Hoa” nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (3/2013), ông Tập Cận Bình đưa ra những kế hoạch, sáng kiến lớn, trong đó có Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).

Những con đường tơ lụa mới

BRI ban đầu có tên Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa được Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo trong chuyến thăm Kazakhstan tháng 9/2013. Một tháng sau, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Indonesia, ông Tập Cận Bình tiếp tục công bố “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, hình thành đại kế hoạch hồi sinh các tuyến đường tơ lụa huyền thoại của người Trung Hoa hơn 2.000 năm trước với tên gọi Một vành đai – Một con đường (OBOR). Đến tháng 10/2017, OBOR chính thức đổi tên thành BRI, bao gồm ba tổ hợp chính là: Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên đất liền (SREB); Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (CMSR) và Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR).

BRI ưu tiên “năm kết nối và ba cộng đồng”, bao gồm kết nối chính sách, hạ tầng, thương mại, tài chính và giao lưu nhân dân và cộng đồng cùng quan tâm, cộng đồng cùng vận mệnh và cộng đồng cùng trách nhiệm. BRI kết nối Trung Quốc với thế giới thông qua mạng lưới các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển và các tuyến cáp quang dọc theo sáu hành lang: Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga (CMREC); Hành lang Á – Âu mới (NELB) đi từ các thành phố ven biển của Trung Quốc đến Rotterdam của Hà Lan và Antwerp của Bỉ; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á (CCWAEC) bắt đầu từ khu tự trị Tân Cương đi qua Trung Á, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải đến bán đảo Arab; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương (CICPEC) nối Trung Quốc với các nước ASEAN, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) chạy từ Tân Cương, Trung Quốc và kết thúc tại cảng nước sâu Gwadar phía Tây Nam Pakistan; Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIMEC) kết nối hai thị trường lớn Trung Quốc và Ấn Độ với khu vực kinh tế Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.

Tuyến SREB trên đất liền bắt đầu từ thành phố Tây An, đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc rồi kết nối với các trung tâm kinh tế, thương mại tại các châu lục Âu – Á như: Almaty (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Samarcanda (Uzbekistan), Dushanbe (Tajikistan), Teheran (Iran), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga), Duisburg (Đức) và Rotterdam (Hà Lan) tới điểm cuối của “Con đường tơ lụa trên biển” tại Venice (Italy).

Tuyến hàng hải CMSR bắt đầu từ thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc rồi tỏa xuống phía Đông qua các nước ASEAN, vượt eo biển Malacca, trở về hướng Tây rồi chạy dọc các quốc gia thuộc Ấn Độ Dương, qua khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải để kết nối với Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên đất liền tại Venice (Italy).

Tuyến DSR hình thành năm 2015 và đẩy mạnh phát triển từ tháng 5/2017. Các ưu tiên cho DSR bao gồm các tuyến cáp quang Internet dưới biển kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi, hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia BRI, bao gồm mạng viễn thông 5G, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, thành phố thông minh và hệ thống vệ tinh đa chức năng… Đến nay, DSR có 46 nước tham gia trong số 150 quốc gia BRI. Trung Quốc chi khoảng 79 tỷ USD cho các dự án DSR.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu về giám sát sức khỏe kỹ thuật số ở các quốc gia BRI tăng cao, Trung Quốc bắt đầu triển khai các dự án giám sát, theo dõi sức khỏe trên cơ sở hạ tầng DSR, hình thành Con đường tơ lụa y tế để hỗ trợ hạ tầng y tế cho các nước BRI.

Ngoài các trụ cột ưu tiên trên, dù không thường xuyên được thảo luận, BRI bao hàm ý nghĩa đối với chính sách không gian của Trung Quốc. Bắc Kinh coi việc phát triển năng lực vũ trụ là trọng tâm vươn lên thành một siêu cường toàn diện về kinh tế và quân sự. Nếu như trước năm 2007, Trung Quốc không thể thực hiện quá 10 vụ phóng/năm thì trong năm năm trở lại đây, nước này đã tiến hành trên 150 vụ phóng – nhiều hơn so với bất cứ quốc gia nào khác. Chương trình không gian của Trung Quốc không chỉ nhằm xây dựng căn cứ trên Mặt trăng, mà còn khai thác không gian bằng các vệ tinh dẫn đường có khả năng hỗ trợ giao thông vận tải trên đất liền và các hành lang hàng hải mà Trung Quốc đang xây dựng trong khuôn khổ BRI.

Thúc đẩy toàn cầu hóa mới

Với nhiều điều chỉnh chiến lược kể từ khi ra đời, BRI sau một thập kỷ triển khai đã đạt nhiều thành tựu trên các phương diện. Peter Cai – nhà nghiên cứu tại Viện chính sách quốc tế Lowy (Australia) nhận xét: “Trung Quốc chính là phương án thay thế cho Mỹ ở vai trò người thúc đẩy toàn cầu hóa. Trong trường hợp này, toàn cầu hóa được thực hiện bằng bê tông với đường sắt, cao tốc, các hệ thống đường dẫn nhiên liệu, hệ thống cáp quang, vệ tinh dẫn đường và các cảng biển”.

Nguồn tin: Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường BRI: Lịch sử, điểm nhấn và lộ trình (baoquocte.vn)

Trả lời