Quốc hội hôm nay (19/6) thảo luận dự án luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); biểu quyết phê chuẩn Luật Giá (sửa đổi)

Quốc hội hôm nay (19/6) thảo luận các dự án: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); biểu quyết phê chuẩn Luật Giá (sửa đổi)…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sẽ thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức không dám làm, né tránh
Các đại biểu Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 họp tại hội trường.

Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Luật Giá (sửa đổi);

Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);

Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.

Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 5/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, dự thảo Luật gồm 13 Chương với 196 Điều.

So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Gộp một số Điều về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các chương khác nhau của Luật hiện hành và Luật hóa một số nội dung từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Căn cứ xây dựng, nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Căn cứ, yêu cầu xây dựng, nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Căn cứ xây dựng và kỳ kế hoạch, nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, bãi bỏ kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm.

Cũng trong sáng 5/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó một số ý kiến đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội,..

Về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo đó, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như: đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá…

Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Dự kiến, buổi chiều nay 19/6, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Nguồn tin: Quốc hội hôm nay (19/6) thảo luận dự án luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); biểu quyết phê chuẩn Luật Giá (sửa đổi) (baoquocte.vn)

Trả lời