Thành tựu Ngoại giao Văn hóa góp phần phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, công tác đối ngoại, trong đó có ngoại giao văn hóa tiếp tục có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước, phát huy sức mạnh mềm, góp phần triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung về những thành tựu của Ngoại giao Văn hóa.

Nhìn lại năm 2020, tuy có nhiều sóng gió, thách thức chưa từng có từ bối cảnh khách quan do dịch bệnh Covid-19 và môi trường quan hệ quốc tế phức tạp song Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, kiểm soát dịch bệnh, duy trì tăng trưởng, đi ngược xu thế suy giảm chung của thế giới, nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế.

Công tác đối ngoại, trong đó có ngoại giao văn hóa tiếp tục có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước, phát huy sức mạnh mềm, góp phần triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Năm 2020 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn bất ngờ xuất hiện, ảnh hưởng nặng nề tới toàn thế giới. Chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy cực đoan có điều kiện phát triển khi các quốc gia có xu hướng thu lại, để dành nguồn lực đối phó với thách thức đến từ đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, cạnh tranh nước lớn, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống…

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong môi trường quốc tế và khu vực nhiều thách thức như vậy Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế và đối ngoại. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định năm 2020 dù khó khăn nhưng vẫn “được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua”[1]. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”.

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước tăng lên trước hết nhờ vào nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, ổn định chính trị, cải thiện cuộc sống của nhân dân và việc thực hiện nhất quán, thành công đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, bạn bè quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam đã đảm nhiệm tốt trách nhiệm kép với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kép là vừa chống dịch Covid-19 và vừa phát triển kinh tế.

Nhiều báo cáo nghiên cứu về xếp hạng/ đánh giá sức mạnh mềm các nước trên thế giới như Soft Power 30, Best Countries, Global Soft Power Index… sử dụng các tiêu chí như chính sách đối nội, đối ngoại, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, sự đóng góp vào các vấn đề chung, sự phổ biến và hấp dẫn của các giá trị văn hóa, di sản… Đây đều là những thế mạnh của đất nước ta.

Tháng 11/2020, Công ty tài chính Brand Finance đã đánh giá giá trị thương hiệu của các nước năm 2020 – một chỉ số dựa trên sức mạnh tổng hợp mọi mặt của một quốc gia, cho rằng giá trị của hầu hết các nước, trong đó có cả những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đều bị suy giảm, riêng giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 29%, từ 247 tỷ lên 319 tỷ USD, đứng vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, được đánh giá là tăng với tốc độ rất nhanh bất chấp xu thế chung của toàn cầu[2].

Thành công chung của đất nước trong năm qua có sự đóng góp của công tác đối ngoại, trong đó có công tác ngoại giao văn hóa – một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện trên các điểm nổi bật sau:

Trước hết, trong năm 2020 là ta đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Tất cả 94 Cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước, trong đó tiêu biểu tại Ấn Độ, Triều Tiên, Nga, Pháp… đã chủ động, tích cực, linh hoạt, phối hợp cùng chính quyền, người dân sở tại tổ chức các hoạt động như: tọa đàm, hội thảo; xuất bản sách báo, ấn phẩm; sáng tác phim, kịch, bài hát hay xây dựng các công trình tượng đài về Bác qua đó góp phần giới thiệu, tôn vinh đất nước thông qua người Việt Nam tiêu biểu, vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong nước, chúng ta đã tiến hành tổng kết, nhìn lại 10 năm triển khai công tác này và đề ra phương hướng thực hiện cho giai đoạn mới. Những lý tưởng mà Người theo đuổi về thúc đẩy hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc và hợp tác quốc tế vẫn mang nguyên ý nghĩa thời đại và là lý tưởng để tập hợp các lực lượng tiến bộ trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn bè. Đây chính là nguồn tài sản vô giá, bất tận trong việc quảng bá sinh động hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam.

Hai là, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, hầu hết các hoạt động ngoại giao văn hóa ở ngoài nước phải hoãn, huỷ, chúng ta đã linh hoạt thích ứng, thay đổi quy mô, cách thức tổ chức, nghiên cứu và triển khai các phương thức quảng bá văn hóa mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, việc chống dịch hiệu quả ở trong nước đã tạo cơ sở để chúng ta triển khai các hoạt động ngoại giao văn hoá trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta đã có nhiều hoạt động, sáng kiến, đóng góp vào việc thúc đẩy bản sắc của ASEAN, một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, thể hiện được dấu ấn của Việt Nam.

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá “Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19”.

Ba là, trong năm qua, công tác ngoại giao văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế được thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chúng ta đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng cử vào 3 cơ quan quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Trong vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đề xuất và Liên hợp quốc đã nhanh chóng thông qua “Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh”. Qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, Việt Nam không chỉ thúc đẩy những lợi ích quốc gia của mình mà còn có sự đóng góp trách nhiệm vào các vấn đề lớn mà thế giới, nhân loại đang phải giải quyết theo tinh thần “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Bốn là, công tác di sản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, ta đạt được số lượng hồ sơ được thông qua và số lượng hồ sơ đệ trình tổ chức UNESCO nhiều nhất từ trước tới nay với 1 Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được công nhận, 2 thành phố Vinh và thành phố Sa Đéc được vào mạng lưới các thành phố học tập của UNESCO; cùng 8 hồ sơ mới được đệ trình gồm: Nghệ thuật làm gốm Chăm, Nghệ thuật Xòe Thái, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, 2 hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai), hồ sơ mở rộng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, 2 hồ sơ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay Việt Nam tự hào là nước đứng đầu khu vực ASEAN[4] với tổng số 21 di sản thế giới được UNESCO công nhận, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều sở hữu với ít nhất một danh hiệu do UNESCO ghi danh/công nhận. Đây là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào việc làm phong phú thêm, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Đồng thời, các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam cũng là cách thức hữu hiệu giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người, truyền thống, lịch sử của Việt Nam.

Năm là, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh nhưng công tác ngoại giao văn hóa của cả nước được các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân và tất cả Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam chủ động, tích cực, linh hoạt triển khai.

Nhiều chương trình đậm nét thương hiệu địa phương cũng được tổ chức thành công như: Chương trình tìm hiểu về phong tục cổ truyền dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam tại Hòa Bình, Lễ hội hoa Tam giác mạch tại Hà Giang, Lễ hội thổ cẩm tại Đắk Nông, Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng…

Chúng ta đã thành công khi biến thách thức từ đại dịch Covid trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam. Trong ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng ta không chỉ tiếp cận trên góc độ khoa học, y tế mà trên cả góc độ lịch sử, văn hóa bởi trong lịch sử, dân tộc ta không chỉ coi ngoại xâm mà ngay cả “đói”, “dốt” cũng là giặc.

Việc xác định “Covid-19 là giặc” đã khơi dậy tinh thần dân tộc – sức mạnh mềm quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng đã chủ động triển khai Ngoại giao Covid, giúp đỡ các nước về khẩu trang, y tế… Đây cũng chính là cách hành xử nhân văn, được hình thành từ lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Nghiên cứu về sức mạnh mềm, các chuyên gia cho rằng một quốc gia có thể tạo ảnh hưởng lớn trong cộng đồng quốc tế nếu biết vận dụng và phát huy sức mạnh mềm. Việt Nam có nhiều lợi thế khi khai thác các nguồn sức mạnh mềm đó, cụ thể là những giá trị sức mạnh từ nền văn hiến hàng nghìn năm, sự đa dạng, độc đáo về tôn giáo, văn hóa, tư tưởng cho tới sự đa dạng về sắc tộc với 54 dân tộc anh em.

Những giá trị văn hóa, tư tưởng, triết lý, nhân sinh quan của Việt Nam luôn có sự tương đồng với những giá trị mà thế giới cũng đều đang chia sẻ, hướng tới, trân trọng, gìn giữ. Đây là nền tảng thuận lợi để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, qua đó phát huy sức mạnh mềm của dân tộc, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước.

Nguồn:https://baoquocte.vn/thanh-tuu-ngoai-giao-van-hoa-gop-phan-phat-huy-suc-manh-mem-cua-viet-nam-135000.html

Trả lời