Vì sao lương tối thiểu dự kiến tăng 6%?

Tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu hiện thấp hơn mức sống thấp nhất 5,3%, nên nhiều thành viên đồng ý mức tăng 6%.

Tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói rằng việc các phương án tăng do Bộ phận kỹ thuật tính toán dựa trên nhiều yếu tố, còn “chốt” 6% là do các bên thỏa thuận.

Theo đó, cơ sở quan trọng để Bộ phận kỹ thuật tính toán là mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2021 là 1,84% và năm 2022 dự kiến 4%, mức sống tối thiểu năm 2022 được xác định lần lượt ở 4 vùng là 4,51 triệu đồng; 4,005 triệu đồng; 3,501 triệu đồng và 3,017 triệu đồng. Trong khi đó, lương tối thiểu đang áp dụng tương ứng là 4,42 triệu đồng; 3,92 triệu đồng; 3,43 triệu đồng và 3,07 triệu đồng, đạt tỷ lệ đáp ứng bình quân 98,7%.

Như vậy, lương tối thiểu đang áp dụng (được điều chỉnh vào đầu năm 2020) chỉ thấp hơn 1,3% so với mức sống tối thiểu năm 2022.

Từ lập luận này, Bộ phận kỹ thuật cho rằng tính đến hết năm 2023, dự kiến CPI tăng 4%, lương tối thiểu hiện hành chỉ thấp hơn mức sống tối thiểu 5,3%.

Ngoài mức sống tối thiểu, nhóm yếu tố về kinh tế như tổng sản phẩm trong nước GDP, thị trường lao động, mức lương ngoài thị trường cũng được xem xét trong lần điều chỉnh lương đợt này.

Công nhân Công ty Pouyuen ở Bình Tân giờ tan ca, năm 2021. Ảnh: Hữu Khoa

Công nhân Công ty Pouyuen ở Bình Tân giờ tan ca, năm 2021. Ảnh: Hữu Khoa

Bộ phận kỹ thuật đã đề xuất ba phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng, với thời điểm tăng từ tháng 7/2022, mức tăng trong khoảng 3,3-6,08%, tương ứng với các giai đoạn một năm hoặc 18 tháng.

Trong đó, phương án ba, mức lương tối thiểu tăng từ 190.000 đồng đến 260.000 đồng, bình quân tăng 6,08% bao gồm đảm bảo mức sống tối thiểu đến hết năm 2023 (tăng 5,3%) và cải thiện thêm 0,78%. Khoản cải thiện được tính toán dự trên một phần đóng góp của người lao động vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong hai năm 2020-2021.

Bộ phận kỹ thuật cho rằng mức tăng này còn cao hơn cả giai đoạn chưa có dịch bệnh (trung bình 5%). Với phương án điều chỉnh lên 6,08%, dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,5-0,6%, trong đó dệt may, da giày tăng 1,1-1,2%.

Trong khi đó, tại phiên họp này, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình với việc điều chỉnh lương, song mong muốn thời điểm thực hiện vào đầu năm 2023. VCCI đề xuất mức tăng nằm trong khoảng 3-5%.

Đại diện người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng 7-8,16%. Trong đó vùng 1 (TP HCM, Hà Nội…) tăng 330.000 đồng, mức lương tối thiểu mới đạt 4,75 triệu đồng.

Sau nhiều cuộc thảo luận, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất về mức đề xuất tăng 6% cũng như thời điểm áp dụng việc tăng lương. 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7, áp dụng hết năm 2023, 2/17 thành viên chọn phương án tăng lương từ 1/1/2023.

Gia đình chị Vương Thị Mai, công nhân Pou Yuen Việt Nam, thuê phòng trọ gần 10 m2 ở phường Tân Tạo A (quận Bình Tân). Ảnh: Lê Tuyết

Gia đình chị Vương Thị Mai, công nhân Pou Yuen Việt Nam, thuê phòng trọ gần 10 m2 ở phường Tân Tạo A (quận Bình Tân). Ảnh: Lê Tuyết

TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói mức tăng 6% là “chưa được như kỳ vọng”. Lương tối thiểu được tính toán dựa trên 7 yếu tố, gồm: mức sống tối thiểu, tương quan mức lương trên thị trường; giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trong các yếu tố này, mức sống tối thiểu dễ nhìn thấy nhất và là cơ sở quan trọng hàng đầu. Do Bộ phận kỹ thuật tính toán mức lương tối thiểu hiện hành, đang đáp ứng trên 98% mức sống tối thiểu năm 2022. Cho nên dù được cộng thêm CPI các năm kèm tỷ lệ đóng góp người lao động vào nền kinh tế, mức tăng chỉ đạt 6%.

Hai năm dịch lan rộng, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt họ phải chi nhiều hơn cho sức khỏe, y tế. Lương tối thiểu điều chỉnh ở mức 6% sẽ rất khó bù được lạm phát giai đoạn 2021 – 2023 . Ông Cường cho rằng mức đề xuất tăng 8% của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là hợp lý.

TS Nguyễn Việt Cường nói thêm tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng trực tiếp chi phí của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Theo thời gian, doanh nghiệp có thể điều chỉnh được. Ngay cả trong ngắn hạn, tăng lương tối thiểu chỉ tác động phần lương căn bản mà không phải tăng các khoản phụ cấp hay tổng thu nhập người lao động.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong kỳ vọng khi sản xuất phục hồi, Hội đồng tiền lương quốc gia họp điều chỉnh lương cho các năm sắp tới cần tính đến việc bù đắp những thiệt thòi này cho người lao động.

Trả lời