Vị thế của ngoại giao nghị viện

Trải qua hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và gần một năm thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quốc hội Việt Nam, với vị thế là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã có những đóng góp quan trọng trong tổng thể triển khai các hoạt động đối ngoại, góp phần tích cực xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên toàn thể thứ 2 của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước  Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, tháng 12/2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên toàn thể thứ 2 của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, tháng 12/2023.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, với đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, đã được triển khai cụ thể thông qua việc thực hiện các chức năng cơ bản của Quốc hội. Đó là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó bao gồm quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước và trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể: (i) Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế; (ii) giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế; (iii) tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong khuôn khổ song phương, thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và các cơ chế khác.

Thực hiện hiệu quả các chức năng

Trong những năm qua, Quốc hội đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đối ngoại, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Quốc hội đã thảo luận, xem xét và thông qua nhiều luật điều chỉnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quốc hội tiến hành giám sát việc triển khai chính sách, pháp luật về đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực đối ngoại. Quốc hội đã phối hợp với nghị viện một số nước triển khai các cơ chế giám sát, khảo sát như thành lập Ủy ban hợp tác liên nghị viện với Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga (tổ chức các phiên họp năm 2020, 2023) nhằm rà soát lại việc thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, qua đó thúc đẩy, hỗ trợ để quan hệ hợp tác giữa hai nước đạt được kết quả cao nhất, tổ chức Đoàn giám sát với Quốc hội Lào (năm 2020); Đoàn khảo sát thực địa chung tại khu vực tam giác phát triển CLV với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia (năm 2023).

Đồng thời, Quốc hội hàng năm xem xét, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đánh giá và làm sâu sắc hơn những nhận định của Chính phủ về tình hình thế giới và khu vực, kết quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong năm, phương hướng năm tới, nhấn mạnh vai trò và hiệu quả của hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong công tác đối ngoại chung của đất nước.

Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, Quốc hội đã phê chuẩn, quyết định gia nhập nhiều điều ước quan trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ, tư cách thành viên của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đóng góp quan trọng phục vụ công tác hội nhập quốc tế và quản lý các hoạt động đối ngoại của quốc gia, nội luật hóa các cam kết quốc tế.

Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, khẳng định sự ủng hộ của Quốc hội, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam, tạo đà cho hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19.

Trong triển khai ngoại giao nghị viện, các hoạt động của Quốc hội đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tập trung làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện với các nước trên thế giới; thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị viện trong quan hệ song phương cũng như các cơ chế hợp tác đa phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ngày 23/6/2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ngày 23/6/2023.

Chú trọng song phương

Hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội được triển khai chú trọng quan hệ với các nước láng giềng; đưa quan hệ với các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền thống; và gia tăng sự tin cậy với các đối tác khác. Cụ thể thông qua các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, tiêu biểu từ đầu nhiệm kỳ tới nay, bao gồm có các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Áo, Bỉ và EU/EP, Phần Lan (tháng 8/2021); Hàn Quốc, Ấn Độ (tháng 12/2021); Lào (tháng 5/2022); Hungary, Anh và Bắc Ireland (tháng 6/2022), Cuba, Argentina, Uruguay (tháng 4/2023); Indonesia, Iran (8/2023); Bangladesh và Bulgaria (tháng 9/2023); tới Lào và Thái Lan (tháng 12/2023), hội đàm trực tuyến với Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế ngay sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất lưỡng hội kiện toàn Ban Lãnh đạo Nhà nước khóa mới; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Tây Ban Nha (tháng 3/2023), Bồ Đào Nha và Bỉ, EP (tháng 11/2023)…

Cùng với đó, các hoạt động trao đổi đoàn/tiếp xúc cấp Ủy ban, Nhóm nghị sĩ hữu nghị, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trẻ diễn ra hết sức sôi động. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai với nhiều nội dung bao quát trên các lĩnh vực gắn với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; với nhiều hình thức phong phú, trực tiếp kết hợp trực tuyến, song phương kết hợp đa phương; với nhiều chủ thể, đối tác đa dạng không chỉ giữa các cơ quan lập pháp mà cả cơ quan hành pháp, tư pháp và địa phương; theo hướng mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, trong đó hợp tác nghị viện với nhiều đối tác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Cuba, Pháp… được đánh giá là điểm sáng, hình mẫu trong quan hệ song phương; đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích cốt lõi của Việt Nam; phát huy vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa các cam kết quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nhân dịp các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại các nước hoặc lãnh đạo nghị viện các nước thăm Việt Nam, các Thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội được ký mới/ký lại giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước. Trong đó, đối với nhiều nước, Thỏa thuận hợp tác được ký đồng thời với cả Thượng viện và Hạ viện (với Australia, Đông Uruguay, Bỉ) là cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện/Quốc hội các nước; đồng thời thúc đẩy tăng cường trao đổi, hợp tác trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới.

Ngoại giao nghị viện cũng thúc đẩy ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện qua các diễn đàn chính sách, pháp luật thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại nhân dịp các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức thành công (tháng 9/2023) tại Việt Nam là một kết quả quan trọng của hoạt động Quốc hội Việt Nam trong năm 2023.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức thành công (tháng 9/2023) tại Việt Nam là một kết quả quan trọng của hoạt động Quốc hội Việt Nam trong năm 2023.

Bước tiến mới trên bình diện đa phương

Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam được triển khai theo Chỉ thị 25-CT/TW ngày 08/08/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương chủ chốt trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP), với nhiều sáng kiến quan trọng, tạo sự chuyển biến thực chất trong hoạt động của các tổ chức này, nâng tầm Việt Nam từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, góp phần bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam.

Sự tham gia tích cực tại các diễn đàn liên nghị viện song hành với các diễn đàn quốc tế của Chính phủ như IPU-Liên hợp quốc, AIPA-ASEAN, APPF-APEC, APF-OIF thể hiện rõ nét sự đồng hành của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung, sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động đề xuất các sáng kiến, khuyến nghị mang tính xây dựng, sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế đã góp phần quan trọng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các tổ chức này, được nghị viện các nước đánh giá cao.

Sự tham gia của Đoàn Việt Nam bảo đảm thực hiện các yêu cầu chính trị đề ra với phương châm thiết thực, hiệu quả, bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững lập trường, nguyên tắc của Việt Nam, đồng thời linh hoạt, hài hòa với lợi ích chung của khu vực, nhờ đó đã đạt được sự ủng hộ cao của các nước. Việc tham gia vào bộ máy lãnh đạo của các tổ chức liên nghị viện khu vực như Ban Chấp hành APPF, APF thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam và sự tin cậy, ủng hộ của nghị viện các nước đối với Quốc hội nước ta.

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam thể hiện sự tích cực, tinh thần trách nhiệm với việc đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA Caucus lần thứ 14, tạo dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn này. Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam góp phần khẳng định bước tiến mới quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam và quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà.

Tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế của ngoại giao nghị viện với đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước theo hướng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kết luận số 2035-KL/ĐĐQH15 ngày 13/11/2023 về Định hướng đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và đến năm 2030 với các nội dung mang tính định hướng cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội từ nay đến năm 2030 và phương hướng, giải pháp cụ thể cần triển khai trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Đề án thông tin đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đến năm 2030 góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, các chủ trương, quy định và chiến lược phát triển thông tin đối ngoại; qua đó, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Quốc hội trong thời gian tới.

Với tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, sự chỉ đạo điều hành và trực tiếp tham gia của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự thống nhất trong quản lý các hoạt động đối ngoại với vai trò đầu mối của Ủy ban Đối ngoại, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai toàn diện, thông suốt, nhất quán theo chương trình đã được phê duyệt; phát huy tính đặc thù, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, kết hợp hài hòa với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần chuyển thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động, tăng cường sự hiểu biết của chính giới và nhân dân các nước, tạo dấu ấn Việt Nam; góp phần vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước; khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước cũng như ngoại giao nghị viện khu vực và thế giới.

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/vi-the-cua-ngoai-giao-nghi-vien-253977.html

Trả lời