Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện CĐSquốc gia, phát triển KTS nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quyết định số 411 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển KTS. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về công nghệ thông tin và chỉ số cạnh tranh, thuộc 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo…
Ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông.
KTS mở ra không gian tăng trưởng mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Một số báo cáo quốc tế cho thấy, qua gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Việt Nam là một trong các quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Đóng góp của KTScho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng.
Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó, KTS nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là KTS ICT và KTS ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 2/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.
Thúc đẩy phát triển KTS có trọng tâm là phát triển công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Chiến lược CĐSquốc gia đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển KTS. Chẳng hạn như phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, bao gồm chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới; khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số. Đáng lưu ý là chuyển dịch, lắp ráp gia công với tinh thần “Make in Vietnam”…
Báo chí tham gia vào kinh tế số để phát triển, tạo lập các giá trị mới
Trải qua 97 năm ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong dòng chảy chủ lưu của thời đại. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã phê duyệt chương trình và có chiến lược cho CĐSquốc gia, một điều kiện thuận lợi để chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cách mạng công nghệ mang lại. Trong dòng chảy đó, báo chí cũng không thể đứng ngoài xu thế. Thời nào cũng vậy, báo chí luôn có sứ mệnh tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận; đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực.
Để góp phần đạt được mục tiêu phát triển KTS, báo chí có vai trò quan trọng để tạo niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần tạo nên sự thành công của CĐS- KTS. Chiến lược CĐSquốc gia xác định quan điểm “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS”.Ở yếu tố tiên quyết này, báo chí là công cụ hữu hiệu đồng hành.Báo chí sẽ góp phần chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của CĐSnói chung, cũng như vai trò và tầm quan trọng của KTS nói riêng bằng cách lan truyền từ điểm tới diện, với những câu chuyện thành công có tính điển hình, các bài học thuyết phục, các góp ý tư vấn giải pháp, cũng như không ngần ngại chỉ ra các bất cập trong quá trình mới mẻ này.
Khi phát triển KTS, sẽ có những sản phẩm, mô hình, dịch vụ hay giải pháp được thử nghiệm trong môi trường pháp lý chưa đầy đủ. Báo chí một mặt cần thấu hiểu và khích lệ những bước đi thử nghiệm đó, mặt khác cũng có giám sát kịp thời với tinh thần “cùng hoàn thiện”,cảnh báo những bước đi không hiệu quả, cũng nhưtạo không khí, không gian cho đổi mới sáng tạo nảy nở.Nếu như trong các cuộc cách mạng kháng chiến, báo chí là vũ khí tuyên truyền sắc bén, vừa nâng cao dân trí, vừa cổ vũ tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước; thì ở cuộc cách mạng 4.0 trong dòng chảy toàn cầu này, báo chí có vai trò dẫn dắt, hun đúc và tạo khí thế cho phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ để hướng tới mục tiêu đất nước thịnh vượng, hùng cường.
Và không nằm ngoài dòng chảy thời đại, báo chí cũng phải thực hiện CĐS, tham gia vào KTS để khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình, tạo lập ra các giá trị mới. Bộ TT&TT có kế hoạch đào tạo khoảng 3000-5000 phóng viên, biên tập viên trong năm 2022, xây dựng đề án CĐScác cơ quan báo chí. Bộ đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn dùng chung cho các cơ quan báo chí chủ lực, cũng như đề xuất phát triển nền tảng riêng cho các cơ quan báo chí vừa và nhỏ. Bộ luôn đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong quá trình CĐS, giúp các cơ quan cải tiến và đứng vững trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Các cơ quan báo chí cũng cần năng động hơn nữa khi vận dụng các giải pháp công nghệ cho bài toán kinh tế báo chí của mình: Tổ chức sự kiện, tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, phân phối sản phẩm nội dung qua các nền tảng công nghệ…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng đề cập, mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó. Ngành thông tin và truyền thông tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.
Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông