2023 – Năm văn hóa ấn tượng

Năm 2023 là một năm ấn tượng đối với văn hoá Việt Nam trong bối cảnh kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, năm thứ hai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030 và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc vào tháng 11/2021.
Lễ kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngày 28/2/2023.  (Nguồn: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Lễ kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngày 28/2/2023. (Nguồn: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)

Đúng như sự tin tưởng của Tổng Bí thư, công tác văn hoá “có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Sau 80 năm, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa…

Những ấn tượng lần đầu

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-2023), lần đầu tiên, Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 được tổ chức, tôn vinh 78 gương điển hình có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực phát triển của toàn ngành.

Lần đầu tiên Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc được tổ chức, hội tụ hơn 1.000 cán bộ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong xã hội.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Ngày hội là minh chứng thiết thực cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc rất ít người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng các dân tộc.

Câu chuyện di sản lên ngôi

Năm 2023 là năm di sản Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu, đồng thời đánh dấu 30 năm di sản Việt chính thức được vinh danh trên thế giới.

Kể từ năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đến nay Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 9 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một trong những dấu ấn lớn trong năm nay là Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, với số phiếu bầu cao nhất trong nhóm 4 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Thêm nữa, việc lần thứ hai trở thành thành viên của cơ quan điều hành Công ước 2003 với vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003, cho thấy vị thế và vai trò, trách nhiệm của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Lần thứ tư Việt Nam lại được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới của Giải thưởng Du lịch thế giới, khẳng định thêm tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Tỏa sáng ở nước ngoài

Năm 2023, công tác ngoại giao văn hoá đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ giới thiệu với bạn bè quốc tế truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao hình ảnh Việt Nam và phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước.

Trong đó bao gồm các chương trình nghệ thuật tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Áo, Italy; chuyến lưu diễn qua sáu thành phố lớn của Nhật Bản đã tôn vinh tài năng, vẻ đẹp và sức cuốn hút của âm nhạc Việt Nam; Chương trình “Bước chân di sản” khéo léo kết hợp với thời trang để quảng bá vẻ đẹp của các di sản, vùng miền, làng nghề truyền thống; Ngày Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tới Nam Phi…

Đáng chú ý, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được tôn vinh trên thế giới với nhiều cuộc triển lãm, hội thảo khoa học, phối hợp dịch và xuất bản những tác phẩm của Bác sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, xây dựng không gian văn hóa Việt Nam – Hồ Chí Minh…

Bên cạnh việc điện ảnh Việt Nam gặt hái được một số giải thưởng tại các liên hoan quốc tế, Việt Nam đã hợp tác dàn dựng thành công các vở kịch, nhạc kịch, ballet của những tác giả nước ngoài như vở Người đi dép cao su của nhà văn Algeria Kateb Yacine, Công nương Anio của Nhật Bản…, phối hợp tổ chức các chương trình ấn tượng như Giao lưu áo dài và kimono, thời trang dân tộc Ukraine…

Tín hiệu vui

Trong dịp kỷ niệm Ngày các thành phố thế giới (31/10), Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Như vậy, bên cạnh Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế kể từ năm 2019, giờ đây Việt Nam có thêm một Thành phố sáng tạo âm nhạc và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có 4-6 địa danh được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam: hai đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023; nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Nguồn tin: 2023 – Năm văn hóa ấn tượng (baoquocte.vn)

Trả lời