Nâng tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam

Được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 là một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể.
Đoàn Việt Nam tham dự tại phiên họp thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. (Nguồn: Đoàn công tác)
Đoàn Việt Nam tham dự tại phiên họp thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. (Nguồn: Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO)

Ngày 8/12, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của UNESCO diễn ra ở thành phố Kasane, Boswana, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Việt Nam là thành viên của cơ quan điều hành Công ước 2003, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ 2006-2010.

Khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, việc Việt Nam thêm lần nữa được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch một trong những cơ quan chuyên môn then chốt của UNESCO đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều này cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại UNESCO, ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, góp phần vào thúc đẩy vai trò của văn hóa và di sản cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đây cũng là minh chứng nữa về việc Việt Nam đã triển khai thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Tham dự kỳ họp, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao cho biết, Ban Thư ký và các quốc gia thành viên Công ước 2003 đánh giá cao chính sách, chiến lược và các biện pháp thiết thực của Việt Nam trong phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể như động lực cho phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Theo ông Đoàn Quyền Trưởng, những chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong việc nghiên cứu tích hợp từ sớm nhiều nội dung của Công ước 2003 vào Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao.

Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện, triển khai các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như một động lực cho phát triển bền vững, đa dạng văn hóa, sáng tạo và đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, phụ nữ và giới trẻ.

Bên cạnh đó, 15 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 534 Di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều có các đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị với sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương, trở thành kinh nghiệm tốt cho các quốc gia thành viên.

Các nghệ nhân Hát Xoan ở đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hà Anh)
Các nghệ nhân Hát Xoan ở đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hà Anh)

Động lực gìn giữ di sản ở địa phương

Trả lời