Bức tranh sáng của du lịch Hà Nội

Thời gian qua, ngành Du lịch Hà Nội đã dần hồi phục; các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm mới và được đông đảo du khách đón nhận.

Du lịch Hà Nội
Ngành du lịch Hà Nội đã hồi phục và có nhiều sản phẩm mới được du khách đón nhận. (Nguồn: Hanoimoi)

Du lịch Hà Nội có nhiều đột phá

Kể từ khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch thông qua việc thực hiện chuỗi các chương trình, kế hoạch hành động kích cầu, thu hút khách du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng.

Qua đó, ngành du lịch Thủ đô đã dần hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và được đông đảo du khách đón nhận.

Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã phục vụ 13 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Từ khi bước vào giai đoạn phục hồi, Chính phủ đã có nhiều giải pháp phục hồi phát triển du lịch. Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng khai thác sản phẩm du lịch đêm, du lịch đường sông và khai thác tốt hơn nữa các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và được đông đảo du khách đón nhận như: tour Du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học… Theo ông Khánh, đây là những tín hiệu tích cực thể hiện du lịch nội địa đã phục hồi và du lịch quốc tế đang lấy lại đà tăng trưởng.

Để thu hút du khách trong thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và điểm đến. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 – 2025, theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”; tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Cùng với đó, ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch. Ông Khánh cho hay: “Du lịch Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch. Tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh du lịch góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế trong du lịch”.

Du lịch Hà Nội
Du khách quốc tế đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Nguồn: Hanoimoi)

Tạo các sản phẩm mới, độc đáo

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt du khách (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế); Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 8%.

Đáng chú ý, ngành du lịch thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Theo nhiều chuyên gia, muốn thu hút du khách, Hà Nội cần phải xác định đúng khách hàng mục tiêu, nhằm xây dựng sản phẩm phù hợp. Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch ẩm thực, phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch…

Cần đẩy mạnh truyền thông Hà Nội là điểm đến du lịch “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”. goài ra, Hà Nội cần tập trung tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như: du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trong đó chú trọng quảng bá những sản phẩm này đến du khách quốc tế.

Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022” do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục nhận 3 giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới. Cụ thể: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á.

9 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2023.

Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi. Khách đi theo nhóm nhỏ, đi du lịch tự túc nhiều hơn. Do vậy, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần xây dựng sản phẩm mới, xây tuyến xe điện kết nối trong nội đô vừa để đảm bảo môi trường theo định hướng: Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, vừa đa dạng lựa chọn hơn về phương tiện vận chuyển cho du khách.

Hà Nội cần tập trung khai thác tăng doanh thu để tăng hiệu quả kinh tế, hơn là chú trọng số lượng khách. Đồng thời, xây dựng tuyến xe điện kết nối trong nội đô bởi du khách đi tự do nhiều.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch đề xuất, muốn phát triển du lịch đêm, Thủ đô cần quy hoạch lại tuyến phố phát triển du lịch đêm. Cần liên kết các sản phẩm mang tính đặc trưng giữa nội đô và ngoại thành Hà Nội. Thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng sản phẩm làm tăng doanh thu. Xác định rõ phân khúc thị trường khách để có sản phẩm phù hợp.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Du lịch Hà Nội cần tận dụng lợi thế để “bứt tốc”

Du lịch Hà Nội
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation. (Ảnh: NVCC)

“Nói về câu chuyện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch Thủ đô, chúng ta cần phải hiểu thế nào là chuyển đổi số? Thực tế, việc triển khai một số hoạt động quảng bá du lịch trên nền tảng số chưa phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy, cách thức vận hành, quản lý và marketing, tuyên truyền.

Theo tôi, ngành Du lịch Thủ đô phải có bản sắc riêng. Thực tế, đây không phải là câu chuyện của riêng Hà Nội mà còn là của các địa phương khác. Thay vì tuyên truyền du lịch một cách chung chung về sản phẩm du lịch, những điểm đến, chúng ta cần tạo ra bản sắc riêng.

Ngành du lịch phải có một chiến lược thương hiệu rõ ràng. Mỗi địa phương phải có một chiến lược du lịch và lấy một giá trị nổi bật để làm nền tảng, xương sống cho sự phát triển để cạnh tranh. Du lịch Thủ đô cũng thế! Nếu chúng ta không có ‘lõi’ để xoay quanh nó, nếu chỉ tuyên truyền về du lịch chung chung và những khái niệm đưa ra rất giống nhau, chỉ khác mỗi sản phẩm du lịch, thì đó không phải là chiến lược phát triển du lịch.

Theo tôi, để du lịch Hà Nội phát triển hiệu quả, bền vững và thu hút được du khách trong thời gian tới, cần phải tìm ra một cái lõi – một giá trị then chốt. Du lịch của Hà Nội phải khác biệt với những thành phố khác, phải có chiến lược thương hiệu bài bản, có tư duy về marketing để tạo điểm nhấn và sự khác biệt.

Trong đó, sản phẩm du lịch cũng cần thay đổi để phù hợp với xu hướng. Tất nhiên, không chỉ là sản phẩm du lịch, đó chỉ là một phần, chúng ta có nhiều thế mạnh để phát triển nhưng cần phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ. Không phải phát triển du lịch theo kiểu ‘cào bằng’, đồng đều, dàn trải sẽ không có sức hút rõ rệt. Như vậy, tức là cần có chiến lược, thương hiệu, phải tập trung vào điểm mạnh nhất, khác biệt nhất, nổi bật nhất mới hiệu quả và có dấu ấn riêng”.

 

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/buc-tranh-sang-cua-du-lich-ha-noi-247393.html

Trả lời