Chuyên gia chia sẻ cách hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ

Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội đêm 12/9 để lại những hậu quả đau lòng. Sau sự việc này, những người còn sống, đặc biệt là trẻ em sẽ chịu tác động tới tâm lý ra sao?

Giáo dục
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trẻ em vụ cháy chung cư mini Khương Hạ vừa qua cần có hỗ trợ tâm lý. (Nguồn: Dân việt)

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này để đưa ra những hướng dẫn hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ em.

Theo ông, trẻ em thường gặp tổn thương gì và biểu hiện ra sao sau tai nạn hay thảm họa như vụ cháy chung cư Khương Hạ vừa qua?

Sau một tai nạn hay thảm họa như cháy chung cư, cháy nhà, thường gây ra các sang chấn tâm lý mà về sau có thể phát triển rối loạn stress sau sang chấn.

Những sang chấn tâm lý có thể xuất hiện ngay sau một tai nạn hay thảm họa tạo nên những thau đổi về cảm xúc (luôn sợ hãi, cảnh giác với mọi thứ, cảm thấy mất kiểm soát cảm xúc). Thay đổi về nhận thức như suy giảm khả năng chú ý và ghi nhớ; thay đổi cách nhìn nhận về thế giới đầy rẫy nguy hiểm; thay đổi về hành vi như tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện, thu mình; gây ra những khó khăn về chức năng như rối loạn giấc ngủ, cắt đứt các mối quan hệ, trở nên mâu thuẫn, cáu kỉnh với mọi người, kể cả người thân…

Còn nếu phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn sẽ đặc thù bởi các vấn đề như ký ức xâm nhập, hành vi né tránh và rối loạn cảm xúc. Những ký ức gợi nhớ về sự kiện gây sang chấn, bao gồm ý nghĩ, hình ảnh, suy nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu mà đứa trẻ không thể dừng lại. Những hình ảnh xuất hiện trong mơ khiến trẻ thường xuyên gặp ác mộng, trở nên hoảng loạn khi tiếp xúc với những ký ức này.

Hành vi né tránh là đứa trẻ tìm cách tránh né mọi ý nghĩ, cảm giác hoặc đối thoại liên quan đến sự kiện. Chủ động né tránh những hoạt động, đại điểm hoặc những người có thể kích thích việc nhớ lại sự kiện. Trẻ cảm thấy mất hứng thú với mọi hoạt động, tự cô lập bản thân mình.

Rối loạn cảm xúc thể hiện việc đứa trẻ khó đi vào giấc ngủ, trở nên cáu kỉnh và dễ bùng nổ cơn giận, quá nhạy cảm, hay giật mình, bồn chồn không thể ngồi yên. Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn khoảng một tuần đến một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài cả đời tùy vào mức độ ảnh hưởng của sự kiện gây sang chấn.

Vậy ông có khuyến cáo gì trong việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn?

Việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân sau tai nạn cần phải làm thận trọng. Cần tiếp cận nạn nhân một cách đầy tôn trọng, giúp nạn nhân cảm thấy dễ chịu bằng những hành động nhỏ. Nếu nạn nhân đang bị sang chấn nặng, hãy cố gắng đừng để họ một mình và giúp họ trấn tĩnh. Sau đó, người tiếp cận hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Tìm hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này.

Người hỗ trợ không nên ép buộc nạn nhân phải nói. Thay vào đó, hãy lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh bằng việc ở bên đồng hành. Lắng nghe nạn nhân là điều cần thiết để hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của họ, để giúp họ trấn tĩnh và có thể đề nghị sự trợ giúp phù hợp. Hãy lắng nghe bằng việc trao cho nạn nhân sự chú ý hoàn toàn như duy trì ánh mắt với nạn nhân trong lúc nói chuyện. Đồng thời, chân thành lắng nghe những mối lo lắng của nạn nhân; chu đáo và bộc lộ sự tôn trọng.

Việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản. Cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân. Nhắc nạn nhân rằng, rất nhiều người đang ở đó để giúp họ và họ đang được an toàn.

Trẻ em là những người chịu nhiều tổn thương tâm lý nhất. Vậy cần hỗ trợ tâm lý ra sao?

Cần đánh giá nguy cơ trong vòng hai tuần sau thảm họa hoặc tai nạn xảy ra, khi nạn nhân đã được sơ cứu tâm lý và bình tâm để có khả năng tiếp cận. Trường hợp trẻ có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần, cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp. Đối với trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát, cần ngay lập tức chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao.

Các đối tượng ưu tiên đánh giá bao gồm người bị nạn trong thảm họa, thân nhân người bị nạn, đặc biệt trẻ em, người chứng kiến một người mất đi trong thảm họa.

Một số người trải qua thảm họa thường trở nên lo lắng và bối rối?

Người tiếp cận nên hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Tìm hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này, từ đó mới sắp xếp được các mối ưu tiên. Người hỗ trợ không nên ép buộc nạn nhân phải nói mà lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh bằng việc ở bên đồng hành.

Một số người trải qua thảm họa trở lên rất lo lắng và bối rối. Họ có thể bị lẫn lộn hoặc bị cảm xúc chi phối và có một số phản ứng về mặt cơ thể như run hoặc toát mồ hôi, khó thở hay tim đập nhanh. Do vậy, việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản. Cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân. Đồng thời, nhắc với nạn nhân rằng rất nhiều người đang ở đó để giúp họ và họ đang được an toàn.

Vì vậy, việc kết nối nạn nhân với người thân và trợ giúp xã hội là một phần quan trọng của việc trợ giúp tâm lý ban đầu. Trong giai đoạn này cần giữ trẻ ở bên cạnh cha mẹ và người thân hoặc giúp nạn nhân kết nối với bạn bè và người thân để được hỗ trợ, chia sẻ. Ngoài ra, có thể đưa các nạn nhân lại cùng giúp đỡ lẫn nhau.

Có cách nào để đánh giá chính xác mức độ sang chấn tâm lý của trẻ em hay không, thưa ông?

Tùy vào từng loại rối loạn tâm thần mà tốc độ hồi phục khác nhau. Thường thì sau một sang chấn tâm lý lớn như chứng kiến người thân ra đi trong một thảm họa thì các rối loạn stress cấp tính sẽ xuất hiện ngay sau khi tai nạn xảy ra. Sau đó sẽ xuất hiện các thay đổi hành vi. Một, hai tuần sau sẽ xuất hiện các biểu hiện thu mình, trầm cảm. Rối loạn stress sau sang chấn thường xuất hiện khoảng sau hơn một tháng.

Vì vậy, các nhà tâm lý hỗ trợ khủng hoảng thường đánh giá nguy cơ trong vòng 2 tuần sau khi thảm họa/tai nạn xảy ra, sau khi cá nhân đã được sơ cứu tâm lý, sự kiện tai nạn đã được xử lý ổn định và đối tượng đã bình tâm để có khả năng tiếp cận.

Sau khi đánh giá bằng các công cụ chuyên môn (trắc nghiệm tâm lý) nếu các kết quả sàng lọc là bình thường thì có thể yên tâm không cần theo dõi. Nếu có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần thì cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp. Còn những trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát thì thậm chí phải chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao.

Vấn đề là sau thảm họa, các nạn nhân đều trải qua những mất mát khác nhau nên rất ít muốn tiếp xúc với người lạ mà chỉ tập trung giải quyết các vấn đề thiết yếu của họ. Vì vậy, trước khi đánh giá trẻ em cần được sơ cứu tâm lý, hỏi thăm về tình hình chung của gia đình, ảnh hưởng của thảm họa với các em, thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với những tổn thất.

Việc đánh giá cũng phải được tiến hành trong những môi trường mang tính riêng tư, tạo cảm giác thoải mái và không bị gây phiền nhiễu bởi những tác động bên ngoài.

Nạn nhân có thể cảm thấy bị tổn thương, cô độc hoặc bất lực sau tai nạn hay thảm họa. Một trong các biện pháp hỗ trợ tâm lý với nạn nhân là kết nối với người thân và trợ giúp xã hội.

Các nghiên cứu đã cho thấy, những nạn nhân nhận được sự hỗ trợ xã hội tốt sau thảm họa sẽ dễ vượt qua thảm họa hơn những nạn nhân không được hỗ trợ tốt. Vì lý do này nên việc kết nối nạn nhân với người thân và trợ giúp xã hội là một phần quan trọng của trợ giúp tâm lý ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin:Chuyên gia chia sẻ cách hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (baoquocte.vn)

Trả lời