Giáo dục cần giúp trẻ ‘định vị’ và thấu hiểu chính mình

Giáo dục
Những năm gần đây, người ta quan tâm nhiều đến việc giáo dục trẻ trở thành người tử tế. (Ảnh: Vũ Minh Hiền)

Trong bức thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành giáo dục nhân ngày khai giảng năm học 2022-2023 có viết: Một năm học bắt đầu, khởi nguồn cho những hy vọng mới. Tôi đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành giáo dục lựa chọn năm nay, đó là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Nhìn lại, 2021-2022 là năm học đặc biệt khi cả thầy lẫn trò phải vừa phòng chống dịch vừa gồng mình dạy và học trực tuyến. Sau hơn 2 năm trường học chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, năm nay, cả thầy lẫn trò hồ hởi đến trường, được tổ chức khai giảng đúng nghĩa với cờ hoa phấp phới.

Năm học mới đã bắt đầu, đâu đó vẫn còn nỗi lo về chương trình mới, về sách giáo khoa mới, nỗi lo thiếu giáo viên, thiếu lớp học… Cơ hội mới sẽ đi cùng những thách thức, còn nhiều khó khăn chờ đợi ngành giáo dục giải quyết.

Nhưng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả thầy lẫn trò đã cùng nhau trải qua một giai đoạn khó khăn, đã nỗ lực không ngừng. Tất cả đều trông đợi một luồng sinh khí mới sẽ thay đổi nền giáo dục, cố gắng cho năm học mới với nhiều thành tựu.

Bao kỳ vọng vào năm học mới, như giảm bạo lực học đường, giảm áp lực học tập lên các em, để các em có một môi trường học tập đúng nghĩa. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, bằng cách nào đó để tháo gỡ tình trạng quá tải, học sinh không phải bốc thăm để được vào lớp, cần làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục…

Trong một phát biểu tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Andrey Azouley, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, Việt Nam rất coi trọng giáo dục. Theo bà, để vượt qua được những thách thức trong thế kỷ XXI, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực không ngừng của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục trẻ.

Năm nay, ngành giáo dục và nhiều trường đã chọn những chủ đề năm học hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lòng nhân ái. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục chú trọng phát triển kỹ năng, hài hòa “đức, trí, thể, mỹ”.

Dường như các trường đều trăn trở và hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc, để mỗi thầy cô luôn hạnh phúc, tự hào với nghề. Học sinh được bình đẳng tiếp cận giáo dục và không trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Đó là những thay đổi tích cực, hy vọng sẽ lan tỏa trong toàn ngành.

Có người nói, “làm người” là một nghề và cần phải được học. Những năm gần đây, người ta quan tâm nhiều đến việc giáo dục trẻ trở thành người tử tế. Giáo dục để các em trở thành công dân số, thành một người có ích, có kỹ năng thích ứng với những đổi thay không ngừng của xã hội, tự tin hội nhập và tương lai có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.

Hơn hết, giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt, giúp các em tự “định vị” được bản thân, trở thành người bản lĩnh, tự tin. Người dạy phải giúp các em thấu hiểu chính mình, biết sống với đam mê và chủ động giải quyết các vấn đề trong cuộc sống…

Nhưng để làm được điều đó cần có “kiềng ba chân”: Nhà trường – gia đình – xã hội. Đúng như lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn”.

Nguồn: baoquocte.vn

Trả lời