Hành trình 20 năm di sản văn hóa thế giới của Nhã nhạc cung đình Huế

Trải qua hơn 1.000 năm phát triển, Nhã nhạc cung đình Huế trở thành biểu tượng di sản văn hóa trường tồn không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả nhân loại.
Hành trình 20 năm di sản văn hóa thế giới của Nhã nhạc cung đình Huế
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế trở thành minh chứng sống động cho nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. (Nguồn: MIA.vn)

Hồn cốt nền văn hóa dân tộc
Nhã nhạc cung đình Huế xuất hiện vào những năm đầu của triều Lý (1010-1225) và được sử dụng trong những dịp lễ như Đại triều, Thường triều, Tế giao, Tế miếu… Song phải đến thời Nguyễn (1802-1945), loại hình âm nhạc này mới thực sự phát triển rực rỡ, nhất là từ nửa đầu thế kỷ XIX.

Lúc này, khi vừa lập nghiệp ở phương Nam, triều đình vua Gia Long đã sớm biết sử dụng nghệ thuật để chăm sóc đời sống tinh thần. Đây cũng là lúc cái tên Nhã Nhạc gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo quy phạm đúng chuẩn của nhà nước quân chủ.

Sở dĩ coi Nhã nhạc là biểu tượng cho sự hưng thịnh của các triều đại phong kiến là bởi lời ca, tiếng hát tao nhã và hình thức biểu diễn quý phái đã cùng hội tụ và khắc họa nên nét tôn nghiêm của buổi lễ, cũng như vẻ bề thế của quý tộc triều đình.

Sau khi triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta chính thức cáo chung vào năm 1945, Nhã nhạc cung đình Huế đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Song nhân dân ta, cùng cộng đồng quốc tế đã không ngừng nỗ lực bảo tồn nét đẹp văn hóa xứ Huế.

Qua đó, mặc cho năm tháng thoi đưa với nhiều thăng trầm, Nhã nhạc cung đình Huế vẫn ở đó, vẫn vẹn nguyên những gì đặc sắc, nhã nhặn và cung cách nhất như những ngày đầu tiên.

Vươn tầm quốc tế
Ngày 7/11/2003, UNESCO chính thức vinh danh Nhã nhạc cung đình Huế là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đây đồng thời cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận.

Khác với ca trù phát sinh từ dân gian rồi vào cung đình, Nhã nhạc có quá trình hình thành, lan tỏa ngược lại và được UNESCO đánh giá là loại hình âm nhạc duy nhất đạt tới tầm vóc quốc gia trong các thể loại nhạc cổ truyền. Đây không chỉ là niềm vinh dự to lớn của dân tộc Việt Nam, mà còn mở ra triển vọng sáng cho lĩnh vực du lịch của thành phố Huế cổ kính.

Không chỉ giành được sự ghi nhận của tổ chức quốc tế, Nhã nhạc còn được giới thiệu tới công chúng tại nhiều quốc gia trong những chuyến lưu diễn của đoàn nghệ sĩ Việt Nam, qua đó khơi gợi sự quan tâm của người dân thế giới đối với nét đẹp văn hóa di sản nước nhà.

Năm 1995, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết dẫn đầu Câu lạc bộ Phú Xuân và nhóm Ca Trù Hà Nội sang biểu diễn lần đầu tại Pháp và Thụy Sỹ theo lời mời của nhà Văn hóa Thế giới Pháp. Đến năm 2004, theo lời mời của UNESCO, đoàn nghệ sĩ Nhã nhạc bắt đầu chuyến lưu diễn kéo dài 2 tuần tại các thành phố Montreuil, Arras, Lyon, Marseille (Pháp), Munich, Aachen (Đức) và Brussels (Bỉ).

Đoàn cũng có buổi biểu diễn tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, cũng chính dịp này, UNESCO đã trao cho đại diện Việt Nam giấy chứng nhận Nhã nhạc là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Bên cạnh đó, Nhã nhạc còn là cầu nối ngoại giao văn hóa quan trọng, được lồng ghép trong khuôn khổ trao đổi đoàn cấp cao giữa các nước. Đặc biệt, Nhã nhạc có vinh dự được hai lần biểu diễn cho Nhà Vua Nhật Bản.

Lần đầu tiên diễn ra vào năm 2007, tháp tùng theo đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Nhật Bản, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế được mời vào Hoàng cung Nhật để biểu diễn cho Nhật hoàng Akihito thưởng thức. Sau buổi biểu diễn, Nhật hoàng đã đích thân bắt tay từng nhạc công và nói lời cảm ơn.

Đến năm 2017, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, Nhà vua Nhật Bản đã đến thăm Cố đô Huế và có lần thứ hai thưởng thức Nhã nhạc.

Hành trình 20 năm di sản văn hóa thế giới của Nhã nhạc cung đình Huế
Nhân chuyến công du Việt Nam năm 2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tới thăm Cố đô Huế và lần thứ hai thưởng thức Nhã nhạc. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Dấu mốc đáng nhớ

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Do đó, Thừa Thiên Huế đã tổ chức Festival Huế diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 16-18/6). Cũng trong dịp này, tỉnh nhà ra mắt Quỹ bảo tồn di sản Huế nhằm bảo tồn và phát huy di sản, văn hoá Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước.

Theo NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, trong suốt thời gian qua, nhà hát rất coi trọng công tác nghiên cứu, lưu giữ lại hệ thống dữ liệu về Nhã nhạc và các bộ môn nghệ thuật cung đình để thế hệ sau này không phải cất công đi tìm.

Những tiết mục kinh điển, vốn là biểu tượng của Nhã nhạc luôn được nhà hát nỗ lực bảo tồn nguyên bản, chẳng hạn như Tam luân cửu chuyển, 10 bản ngự, Phú lục địch, Nam ai Nam bằng. Nhã nhạc cũng là linh hồn để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa xứ Huế.

Bàn về định hướng bảo tồn và phát huy nét đẹp Nhã nhạc trong thời gian tới, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, chúng ta không chỉ quan tâm đầu tư cho môi trường diễn xướng, mà còn cần để ý đến công tác đào tạo, nhằm tạo ra đội ngũ kế thừa và nâng cao trình độ của các nghệ nhân, nghệ sĩ Nhã nhạc để họ đạt đến trình độ mà ông cha ta từng có.

Các bộ, ngành cần có những cơ chế, chính sách bồi dưỡng tài năng, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế để đưa Nhã nhạc vươn tầm thế giới, có cơ hội diễn xướng tại nhiều quốc gia.

Có thể nói, hành trình 20 năm di sản thế giới của Nhã nhạc thực sự là niềm tự hào to lớn của nhân dân Thừa Thiên Huế, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là minh chứng sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nguồn tin: Hành trình 20 năm di sản văn hóa thế giới của Nhã nhạc cung đình Huế (baoquocte.vn)

Trả lời