Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết

Nhận biết từng một mốc phát triển của trẻ từ khi sơ sinh đến tuổi trưởng thành sẽ giúp phụ huynh có thêm kiến thức để đồng hành cùng con trên chặng đường đời.

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) xác định, các cột mốc phát triển của trẻ là các kỹ năng về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, xã hội và cảm xúc mà các bé đạt được trong quá trình lớn lên và phát triển. Các chuyên gia đã khám phá ra các giai đoạn phát triển, từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành và quan sát các mốc phát triển mà trẻ đạt được trong từng giai đoạn.

Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết
Giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi là thời kỳ phát triển và thay đổi nhanh chóng đối với một đứa trẻ.

Các mốc phát triển này được sử dụng để xác định xem một đứa trẻ có đang trải qua quá trình phát triển bình thường hay không, liệu có chậm phát triển so với nhóm tuổi chung hay không. Cha mẹ cũng cần có hiểu biết về từng giai đoạn phát triển của trẻ để tạo ra môi trường tốt nhất cho con.

Tuy nhiên, mỗi một cá thể lại có sự phát triển theo tốc độ riêng. Vì thế bạn cũng không nên quá lo lắng khi con mình không đạt được các mốc quan trọng, trong trường hợp này có thể cho trẻ đi khám để có can thiệp sớm, nếu cần.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), trẻ trải qua các mốc phát triển sau :

Mốc 18 tháng tuổi

Giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi là thời kỳ phát triển và thay đổi nhanh chóng đối với một đứa trẻ. Từ mỉm cười, lăn lộn cho đến thủ thỉ và bập bẹ, chúng thay đổi hàng ngày.

Khi được 18 tháng tuổi về thể chất, bé biết đi bộ mà không bám vào ai, biết vẽ nguệch ngoạc;, cố gắng dùng thìa tự xúc ăn, trèo lên, xuống ghế mà không cần sự trợ giúp của người lớn

Về nhận thức, bé bắt chước làm việc nhà, như quét nhà bằng chổi và chơi với đồ chơi theo những cách đơn giản, như đẩy xe; thể hiện sự thích thú với một con búp bê hoặc thú nhồi bông bằng cách giả vờ cho chúng ăn; biết những vật dụng đơn giản dùng để làm gì, ví dụ như điện thoại, bàn chải, muỗng; dùng tay chỉ để có được sự chú ý của người khác; chỉ vào một bộ phận cơ thể và tỏ ý tò mò.

Về ngôn ngữ, bé nói được ba từ trở lên ngoài từ “mẹ” hoặc “ ba” và làm theo các câu lệnh đơn giản mà không cần bất kỳ cử chỉ nào khác, ví dụ bé có thể ngồi khi bạn ra lệnh “ngồi xuống”.

Bé có thể di chuyển nhiều nơi nhưng luôn ở bên cạnh bạn, chỉ cho bạn xem thứ gì đó thú vị, xem một vài trang sách; bé biết đưa chân tay ra khi mặc quần áo; thích đưa đồ chơi cho người khác khi muốn chơi cùng. Bên cạnh đó, bé có thể biểu lộ cơn giận dữ, cảm giác sợ người lạ, hay thể hiện tình cảm với những người quen thuộc.

Mốc 3 tuổi

Về thể chất, các kỹ năng vận động của trẻ ở mốc này bắt đầu phát triển, trẻ có thể chạy, nhảy, leo trèo, đạp xe ba bánh, lên xuống cầu thang từng bước một. Trẻ có thể xâu chuỗi các đồ vật lại với nhau, tự mặc quần áo, có thể vặn và xoay các nắm cửa, có thể lật từng trang một cuốn sách.

Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết
Ba tuổi, bé biết đặt câu hỏi ai, cái gì, ở đâu hoặc tại sao.

Về nhận thức, trẻ có thể vẽ hình tròn khi được hướng dẫn; tránh chạm vào các vật nóng khi được cảnh báo, sử dụng đồ vật để chơi đồ chơi như chơi búp bê, động vật và con người, chơi ghép hình gồm 3 hoặc 4 mảnh.

Ở độ tuổi này, trẻ biết đặt câu hỏi ai, cái gì, ở đâu hoặc tại sao, gọi tên những điều quen thuộc nhất, biết tên, tuổi và giới tính của mình. Bé có thể gọi tên một vài người bạn, có khả năng nói chuyện để người lạ cũng có thể hiểu được 75% nội dung câu chuyện.

Trẻ có thể tham gia chơi cùng những đứa trẻ khác, thể hiện tình cảm với bạn bè xung quanh mà không cần được nhắc nhở, thể hiện sự lo lắng khi thấy bạn đang khóc và biểu hiện một loạt các cảm xúc rõ ràng.

Mốc 5 tuổi

Đến 5 tuổi, trẻ có thể bắt bóng, đổ nước, sử dụng các nút bấm, giữ bút màu giữa ngón trỏ và ngón cái, nhảy lò cò bằng một chân, chơi xích đu và leo trèo thuần thục.

Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết
Trẻ 5 tuổi có thể tự làm một số việc cá nhân như mặc quần áo, tự xúc ăn…

Về nhận thức, trẻ có thể gọi tên một số màu của đồ vật, vẽ cơ thể người với sáu bộ phận. Trẻ còn có thể kể chuyện, đếm đến 10, hiểu các từ về thời gian hay viết/đọc một số chữ cái, biết về những thứ được sử dụng hàng ngày, như tiền và thức ăn.

Ở độ tuổi này, trẻ nói được câu có bốn từ trở lên, kể lại những gì đã xảy ra trong ngày, kể một câu chuyện đơn giản có hai sự kiện.

Trong mặt giao tiếp xã hội và tình cảm, trẻ muốn làm hài lòng bạn bè, muốn được như bạn bè nên trẻ có thể giả vờ làm một việc gì đó trong khi chơi để tạo sự thoải mái, thích làm người trợ giúp, có xu hướng tuân theo các quy tắc, làm được những việc nhà đơn giản, thích hát, nhảy và diễn xuất; bắt đầu nhận thức về giới tính.

Giai đoạn từ 6 đến 12 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu thay răng sữa, phát triển các kỹ năng di chuyển phức tạp hơn như nhảy dây, đi xe đạp cùng với viết, vẽ và tô màu. Trẻ có thể chạy theo hình zigzag, nhảy xuống các bậc thang, chạy xe lăn và bắt bóng nhỏ.

Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết
Ở mốc 6 tuổi, trẻ bắt đầu bước vào lớp một và làm quen với môi trường học hành mới.

Trẻ có khả năng kết hợp các kỹ năng vận động thô như chạy để đá bóng, nhảy dây. Những kỹ năng thể chất này phụ thuộc vào tần suất trẻ thực hành chúng. Các kỹ năng vận động phức tạp cũng phát triển theo, trẻ có thể tự đánh răng và làm các công việc vệ sinh hàng ngày mà không cần bạn hỗ trợ.

Tuổi dậy thì bắt đầu đối với bé gái từ 8-13 tuổi và đối với bé trai từ 10-16 tuổi. Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên với bé gái và “mộng tinh” đối với bé trai.

Trong độ tuổi này, trẻ thích chơi game, hiểu các con số và phân số, biết các ngày trong tuần, có thể đọc và viết, hiểu những điều có liên quan với nhau và có thể trình bày về một vấn đề một cách mạch lạc, tiến tới tư duy trừu tượng, trẻ có thể nhìn tranh và kể một câu chuyện theo trí tưởng tượng phong phú của chúng; Phát triển kỹ năng suy luận.

Về ngôn ngữ, trẻ thích nói chuyện với người khác, đọc được sách và có thể viết truyện, sử dụng ngôn ngữ ngày càng mang tính mô tả và chi tiết, có khả năng truyền đạt ý tưởng rõ ràng cùng với quan điểm của riêng mình về mọi thứ.

Trong giao tiếp xã hội và tình cảm, trẻ học được cách hợp tác và chia sẻ, có sự khiêm tốn và hiểu được giá trị của tình bạn, giao lưu rộng rãi hơn, có cảm xúc ổn định và biết chia sẻ cảm xúc với bạn bè, hay tỏ ra mình là người lớn với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.

Giai đoạn từ 13-18 tuổi

Về thể chất giai đoạn này, trẻ có những đặc điểm phát triển ở tuổi dậy thì. Bé gái sẽ phát triển ngực và lông trên cơ thể và bắt đầu có kinh nguyệt. Các đường cong trên cơ thể bắt đầu xuất hiện, chiều cao và cân nặng cũng tăng lên.

Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết
Ở độ tuổi dậy thì, phụ huynh nên quan tâm hơn đến tâm sinh lý của trẻ.

Các bé trai sẽ phát triển lông trên cơ thể, giọng nói sẽ trầm hơn, tinh hoàn và dương vật phát triển, kèm theo đó là mụn trứng cá. Phát triển cơ bắp là biểu hiện rõ ràng ở nam giới trong tuổi dậy thì. Vai rộng và cao hơn trong khi mặt bớt tròn và xuất hiện những góc cạnh giống người lớn. Tuy không bằng các bạn nữ nhưng chiều cao của các bạn nam cũng phát triển nhanh trong độ tuổi này.

Ở độ tuổi này, trẻ phát triển khả năng suy nghĩ trừu tượng, đặt mục tiêu cho bản thân, suy nghĩ dài hạn và so sánh bản thân với bạn bè.

Trong giao tiếp xã hội và tình cảm: Các mối quan hệ tình cảm và tình dục khiến trẻ trở nên tò mò và thích tìm hiểu. Bên cạnh đó, trẻ phát triển sự độc lập tách khỏi cha mẹ và chịu ảnh hưởng lớn từ bạn bè.

Trong giai đoạn này, do thiếu hiểu biết, trẻ có thể có quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng ma túy và các chất kích thích bao gồm rượu, thuốc lá. Vì thế cha mẹ cần quan tâm và có các phương pháp giáo dục để trẻ tránh được sự sa ngã.

Đây cũng là độ tuổi có thể dễ bắt gặp cảm xúc buồn bã, thậm chí là trầm cảm. Nếu sự buồn bã của trẻ có vẻ cực đoan hoặc diễn biến xấu, cần đưa trẻ đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để được can thiệp sớm và phù hợp.

Đây là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất của trẻ và cả các bậc phụ huynh, trẻ thường có xu hướng phản kháng lại bố mẹ, thường gọi là giai đoạn “nổi loạn”. Trẻ có thể hành động như thể chúng không cần bạn. Nhưng hãy cho trẻ biết bạn quan tâm bằng cách giúp trẻ một vài việc đơn giản trong cuộc sống hàng ngày kể cả ở trường và trong gia đình.

Tạo điều kiện và lôi kéo trẻ chơi thể thao, nghệ thuật hoặc âm nhạc, tổ chức các hoạt động ngoài trời để giúp trẻ giải tỏa năng lượng, khuyến khích trẻ chấp nhận những thử thách mới. Cho trẻ biết những chiến thắng và nỗ lực của chúng cũng là niềm niềm tự hào lớn lao của bạn.

Xem xét các mối quan tâm và ý kiến ​​của trẻ một cách nghiêm túc, khuyến khích trẻ chia sẻ ý kiến và các vấn đề của chúng với bạn hoặc với một người lớn đáng tin cậy. Luôn quan tâm và đồng hành cùng trẻ trong mọi trường hợp để có sự hỗ trợ cần thiết đồng thời cần có kỷ luật nhất quán.

Nguồn tin: Những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, cha mẹ cần biết (baoquocte.vn)

Trả lời