Độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân hủy

Độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân hủy, cho dù đã được nấu sôi, nấu trong thời gian dài.

Trứng cóc là nơi chứa nhiều độc tố cóc: Bufalin, Cinobufalin, Resibufogenin.

Ngày 18/1/2021, khoảng 12 giờ 30 phút, chị Cao Thị Diễm Thúy P. (23 tuổi) ở  thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã ăn cơm trưa với thịt cóc kho (có lẫn trứng cóc) và cơm cá khô. Sau ăn khoảng 20 phút, chị P. xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn ra thức ăn và đi cầu phân lỏng.

Chị P. đến khám tại trạm Y tế xã Ba Cụm Nam và sau đó được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn,  trên đường đi chị P. đã tử vong.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn điều tra vụ ngộ độc trên; thu thập 2 mẫu thực phẩm gồm: Thịt cóc kho (có lẫn trứng cóc), cơm cá khô và 1 mẫu chất nôn từ trạm y tế.

Các mẫu bệnh phẩm được gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để tìm độc tố. Mẫu bệnh phẩm cho dương tính với độc tố cóc Bufalin, Cinobufalin, Resibufogenin.

Theo thạc sĩ Võ Hồng Vân – Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết: Chi cục vừa nhận được kết quả về 2 mẫu thịt cóc (1 mẫu có lẫn trứng cóc và 1 mẫu chất nôn) gây ra cái chết cho 1 người dân ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho dương tính với độc tố cóc: Bufalin, Cinobufalin, Resibufogenin.

Qua vụ việc này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã khuyến cáo, việc tự chế biến thịt cóc làm thực phẩm có nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dùng. Tuyệt đối không sử dụng thịt cóc dưới mọi hình thức. Nếu có triệu chứng ngộ độc, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh xảy ra tử vong đáng tiếc.

Nguồn:http://suckhoemoitruong.com.vn/suc-khoe/doc-to-trong-thit-coc-khong-bi-nhiet-phan-huy-id30873n.html

Trả lời