Chỉ số xếp hạng bình đẳng giới tăng 4 bậc
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.
Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.
Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.
Hiện nay, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Nước ta cũng nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động.
Năm 2022-2023, thế giới và Việt Nam bước sang giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, an sinh xã hội, quyền của phụ nữ và bình đẳng giới có những bước tiến nổi bật.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%.Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam sau 12 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ cao hơn so với lao động nam.
Cần nỗ lực tăng cường nhận thức về bình đẳng giới
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và xã hội Lê Khánh Lương cho biết, năm 2022, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Quốc hội ngày càng đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đăng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua.
Chính phủ đã tích cực, chù động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược.
Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Chia sẻ về vấn đề này, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam có những bước tiến đáng kể. Phái nữ tạo ra hiệu ứng và hình ảnh mang đến cảm hứng tích cực trong cuộc sống. Vấn đề bình đẳng giới, trẻ em đã được lồng ghép một cách thiết thực, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách về giới.
Trong bản Hiến pháp năm 1946 quy định phụ nữ ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử.
Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đặt mục tiêu: “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Vì vậy, theo GS. Huỳnh Văn Sơn, cần đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong việc làm và thu nhập, tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ phát triển kinh tế – xã hội. Ở khía cạnh này, bình đẳng giới dựa trên nền tảng khai thác thế mạnh của giới, ghi nhận những ưu điểm và sở trường của từng giới và đặc trưng giới. Chiến lược của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Cụ thể, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỷ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao.
“Việt Nam đã nỗ lực tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm”, GS. Huỳnh Văn Sơn nói.
Nhìn chung, bình đẳng giới đã được lồng ghép vào các chính sách an sinh xã hội một cách đa dạng, phong phú và có nhiều cải tiến đáng kể.
Chuyên gia Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay, thích nghi với bối cảnh mới, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam tiếp tục xác định việc thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo sự cân bằng giới tính hợp lý là một mục tiêu trong định hướng phát triển của đất nước”.
Phát biểu tại kỳ họp thường niên lần thứ 67 của Ủy ban về Địa vị Phụ nữ (CSW) diễn ra tại New York, Mỹ từ ngày 6-17/3/2023, bà Bintang Puspayoga, Bộ trưởng Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia, đại diện ASEAN cho biết, Hiệp hội hoan nghênh kỳ họp thường niên lần thứ 67 của CSW với chủ đề “Đổi mới và thay đổi về công nghệ và giáo dục trong kỷ nguyên số nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.
Trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được những tiến bộ và thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, các nước ASEAN tiếp tục gặp khó khăn với những trở ngại, bao gồm cả tác động không cân bằng do những yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi xã hội. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ đối mặt với rủi ro mất việc làm và giảm thu nhập. Trước những thách thức đó, ASEAN cần tăng cường hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. |
Nguồn tin: Thu hẹp khoảng cách giới tại Việt Nam (baoquocte.vn)