Thu hẹp khoảng cách giới tại Việt Nam

Vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam đã có những kết quả tích cực, được lồng ghép một cách thiết thực vào các chính sách an sinh xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách về giới.
Bình đẳng giới
Bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. (Nguồn: Suckhoedoisong.vn)

Chỉ số xếp hạng bình đẳng giới tăng 4 bậc

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Hiện nay, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Nước ta cũng nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động.

Năm 2022-2023, thế giới và Việt Nam bước sang giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, an sinh xã hội, quyền của phụ nữ và bình đẳng giới có những bước tiến nổi bật.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%.Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam sau 12 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ cao hơn so với lao động nam.

Cần nỗ lực tăng cường nhận thức về bình đẳng giới

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và xã hội Lê Khánh Lương cho biết, năm 2022, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội ngày càng đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đăng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua.

Chính phủ đã tích cực, chù động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược.

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực.

Trả lời