Xuất khẩu sang EU, bún, miến, phở sẽ không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

4:26 - 16/06/22
0
151

Ngày 13/6/2022, Ủy ban châu Âu (EU) thông báo, đưa các loại bún, miến, phở có nguồn gốc từ Việt Nam ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung dụng giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm, theo Phụ lục 2 Quy định số (EU) 2021/2246.

Quy định mới về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU sẽ có hiệu lực từ ngày 3/7/2022. Sau thời hạn này, các lô hàng bún, miến, phở xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp.

Bún, miến, phở sẽ không cần Giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang EU.

Nới lỏng quy định cho các mặt hàng bún, miến, phở, nhưng EU tiếp tục duy trì việc yêu cầu bổ sung Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng mì ăn liền và thanh long có nguồn gốc từ Việt Nam.

Nguyên nhân được EU đưa ra, là trong thành phần mì ăn liền có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác; đồng thời thanh long vẫn còn nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Một trong những viện dẫn từ EU, là tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ.

Theo hướng dẫn của EU, trước khi xuất khẩu mì ăn liền, thanh long, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam phải tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm. Đây là cơ sở để cấp Giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm.

Là cơ quan đầu mối của Việt Nam về việc thực thi Chương SPS của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), từ tháng 1/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã đề xuất một số phương án nhằm thúc đẩy giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản và bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản giữa hai bên.

Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam đã phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long, tăng tần suất kiểm tra các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; và yêu cầu bổ sung chứng thư với chỉ tiêu Ethylene oxide trong thực phẩm ăn liền.

Đồng thời, SPS Việt Nam cam kết cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS của Hiệp định EVFTA; cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại.

Đầu tháng 5/2022, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, đại diện Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan họp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các đơn vị kỹ thuật để bàn giải pháp tháo gỡ các vấn đề liên quan đến việc giảm tần suất kiểm tra thanh long và mì ăn liền của Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhận sự hợp tác của phía EU thời gian qua, đặc biệt là các phiên họp Tiểu ban SPS của Ủy ban hỗn hợp thực thi EVFTA. Chúng tôi mong muốn thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần xuất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền”.

Hà Anh
Quảng cáo