Dự án tái chế nào phải thực hiện thủ tục môi trường?

Theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, dự án tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc danh mục loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Dương Long (Vĩnh Long) hỏi, vậy dự án sản xuất hạt nhựa tái chế với công suất dưới 500 tấn/ngày có thuộc danh mục nêu trên hay không và phải thực hiện thủ tục môi trường như thế nào?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Dự án sản xuất hạt nhựa tái chế với công suất dưới 500 tấn/ngày nếu có sử dụng phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất thì phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 30 và thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường.

Trường hợp dự án không có sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cần phải có đầy đủ thông tin của dự án và căn cứ vào Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường để xác định các thủ tục môi trường phải thực hiện.

Theo Chinhphu.vn

Nguồn tin: Dự án tái chế nào phải thực hiện thủ tục môi trường? (phapluatkinhtequocte.vn)

Trả lời